(kontumtv.vn) –  Từ xa xưa, mỗi độ Tết đến xuân về, người Việt lại có tục xin chữ đầu năm. Những ước vọng đầu xuân được gửi gắm vào câu đối, câu chúc, lời hay ý đẹp trên giấy đỏ viết bằng chữ Quốc ngữ là món quà tinh thần chào đón năm mới; đồng thời, thể hiện nét đẹp văn hóa, tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa.

“Vạn sự như ý”, “An khang thịnh vượng”, “Tấn tài tấn lộc” hay “Tân niên tân phúc tân phú quý – Tấn tài tấn lộc tấn bình an”… những câu đối thân quen ngày Tết được viết bay bổng, uyển chuyển trên nền giấy đỏ từ lâu đã trở nên quen thuộc với người Việt, hiện diện trong mỗi gia đình và được treo ở những nơi trang trọng nhất. Và mỗi độ Tết đến xuân về, người Việt thường có tục đi xin chữ đầu năm. Chữ thư pháp được các ông đồ viết trên các loại giấy đặc biệt như giấy dừa, giấy dó, giấy xuyến chi…Thư pháp không chỉ là một loại hình nghệ thuật, mà còn là một phong tục mang đậm bản sắc văn hóa Việt, thể hiện truyền thống trọng chữ nghĩa và tri thức. Qua đó, gửi gắm những mong cầu của cả người cho chữ và người xin chữ về một năm mới mọi sự như ý đến với mọi người, mọi nhà.

Vãn cảnh chùa trong ngày đầu xuân năm mới, chị Duyên ở phường Duy Tân, thành phố Kon Tum cho biết cứ Tết đến gia đình chị lại đi xin chữ đầu năm để mong cầu may mắn, bình an trong năm mới:Năm mới Giáp Thìn thì muốn cho gia đình mình an khang thịnh vượng, sức khoẻ dồi dào, con cái thì có sức khoẻ, gia đình năm tới khá hơn năm cũ, mình chỉ mong muốn vậy thôi. Chúc mọi người sang năm Giáp Thìn đón chào năm mới vui vẻ, hạnh phúc, có sức khoẻ nhiều.”

Là người có niềm đam mê đối với nghệ thuật thư pháp truyền thống từ khi còn rất trẻ, nhiều năm nay, anh Trần Xuân Việt, đại diện cho thư pháp Nhân Thuần Việt thường giữ thói quen cho chữ đầu năm. Anh Việt cho hay: “Thường đầu năm mọi người xin chữ những người lớn tuổi hay xin chữ sức khoẻ, bình an hoặc những người làm ăn xin chữ nhẫn, tài lộc để cầu mong năm đó phát triển hơn, những người cầu bình an thì cầu cho những người xung quanh mình đều được bình an vô sự. Người già thì cầu mong sức khoẻ thôi, chữ an khang. Còn những bạn trẻ như học sinh thường xin chữ thuận mong muốn mọi việc học hành, thi cử sẽ được thuận lợi như con thuyền ra khởi gặp sóng gió thì sẽ được thuận buồm xuôi gió.”

Từ xa xưa, hương vị Tết cổ truyền của dân tộc Việt đã gói gọn trong hai câu đối: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Từ truyền thống ấy, trải qua những thăng trầm của nghệ thuật thư pháp, ngày nay, cứ độ Tết đến xuân về, trên những góc phố tấp nập hay giữa thanh tịnh của chốn chùa chiền, những nhà thư pháp trẻ tuổi lại khoác lên mình bộ áo dài, khăn đóng ngồi tỉ mẩn viết thư pháp tặng khách du xuân. Anh Trần Xuân Việt nói thêm: “Tục xin chữ đầu năm của người Việt Nam có truyền thống lâu đời rồi, là một nét đẹp của văn hoá Việt Nam. Đầu năm xin chữ tượng trưng cho sự am hiểu về văn hoá, sự ham học của người Việt mình nên đầu năm họ muốn xin chữ về để trong năm của họ theo ý muốn của họ. Ngày xưa văn hoá viết chữ chưa thịnh hành, phụ thuộc vào những thầy đồ, trong làng chỉ có những thầy đồ là biết viết chữ thôi, còn những người dân không biết chữ nhưng họ rất yêu thích chữ nên họ hay đi xin.”

Cho chữ đầu xuân là nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Những dòng chữ đẹp trên nền giấy đỏ thể hiện ước mong cho một năm mới thuận lợi, an lành. Ngoài mong ước về may mắn tài lộc, người xin chữ còn cảm nhận được sự tài hoa của nghệ thuật thư pháp, sự thú vị của tiếng Việt, chữ Việt./.

Chung Loan – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *