(kontumtv.vn) – Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành giáo dục và đào tạo, 32 năm sau ngày thành lập lại tỉnh Kon Tum, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đã thật sự có nhiều chuyển biến tích cực.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 12/8/1991 tỉnh Kon Tum được thành lập lại trên cơ sở  chia tách tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Thời điểm này, ngành GD&ĐT địa phương gặp khó khăn về mọi mặt. Toàn tỉnh chỉ có 109 trường và có đến 108 làng trắng về giáo dục. Trường lớp tạm bợ, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học chưa đầy đủ, đội ngũ giáo viên thiếu trầm trọng. Tình trạng mù chữ tái diễn trong vùng DTTS, nhất là địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa. Đây thật sự là thách thức lớn đối với tỉnh Kon Tum nói chung và ngành GD&ĐT nói riêng. Ông Thái Quang Nhạn, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết: “Học sinh muốn ham học nhưng vì cơ sở vật chất không có, giáo viên không có, đời sống của nhân dân lại khó khăn nữa do đó học sinh không đi học được. Đi học có khi phải ngồi dưới đất học, không có bảng đen. Nhiều chỗ không có bảng đen phải lấy cánh cửa làm bảng đen. học sinh không có giấy bút viết.”

Nhằm giải quyết các khó khăn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và ngành GD&ĐT của tỉnh cũng phát huy hết khả năng, thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước hoàn thiện về cơ sở vật chất; đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút giáo viên trong và ngoại tỉnh cũng như vận động học sinh ra lớp đúng độ tuổi. Đến nay, mạng lưới giáo dục đã hình thành, với 364 trường mầm non và phổ thông. Toàn tỉnh có 166.000 học sinh, trong đó, 60% học sinh người DTTS; có 178 trường đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, thực hiện sắp xếp mạng lưới trường, lớp tinh gọn, hiệu quả. Qua đây, tạo điều kiện cho các em học sinh được học tập thuận lợi, nâng cao trình độ dân trí. Ông Nguyễn Văn Binh ở thôn Nhơn Lý, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy nói về sự thay đổi giáo dục trên địa bàn: “Khi mới tách tỉnh trường cấp hai trên địa bàn xã cũng chưa có, đồng thời trường mẫu giáo cũng chưa có thì con em phải xuống chỗ huyện học, cho đến nay trường cấp 2 có, trường mẫu giáo có rất thuận lợi trong cái việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với các cấp học.”

Ngành GD&ĐT cũng xác định để tạo sức bật cho giáo dục cần đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy. Cụ thể, tích cực ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý và giảng dạy; ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo đối với vùng DTTS; duy trì các kỳ thi chọn học sinh giỏi và phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Nhờ vậy, thời gian qua, ngành GD&ĐT địa phương đã thích ứng linh hoạt khi tổ chức dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19, đồng thời, triển khai hiệu quả chương trình GDPT mới 2018. Trong quá trình này, những cống hiến của đội ngũ nhà giáo rất quan trọng. Cô giáo Hồ Thị Ly Na, Trường PTDTBT TH Lý Thường Kiệt xã Mo Rai, huyện Sa Thầy bày tỏ: “Từ một cô gái thành phố lên đến đây tôi cũng không nghĩ sẽ gắn bó được ở đây suốt 13 năm vừa qua(n) tôi cũng nghĩ có lẽ hồi đó có nhiều giáo viên không trụ vững ở đây có người phải bỏ về vì cuộc sống thực sự quá khó khăn. Nếu như ai cũng bỏ mảnh đất Mo rai để đi sẽ còn rất khó khăn để tiếp xúc được với con chữ. Chính vì tình cảm với các em học sinh, vì tình yêu mến của quý bậc phụ huynh tôi đã gắn bó với mảnh đất Mo Rai.”

Một trong những địa phương phát triển nhanh trong lĩnh vực giáo dục phải kể đến huyện Ia H’Drai. Huyện được thành lập vào năm 2015, đến nay xây dựng 7 trường Mầm non và Phổ thông, đáp ứng đủ nhu cầu học tập hiện tại trên địa bàn. Đồng thời, là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu 100% trường phổ thông liên cấp, không có trường TH, THCS riêng biệt. Ông Nguyễn Xuân Thái, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Ia H’Drai cho biết là huyện mới được thành lập nên ngành GD&ĐT huyện Ia HĐrai còn gặp rất nhiều khó khăn. Sau 8 năm ngành GD&ĐT huyện Ia H’Đrai đã giải quyết 3 vấn đề lớn: thứ nhất là đội ngũ giáo viên, tuy thiếu cục bộ nhưng Phòng GD&ĐT đã sắp xếp, bố trí cho đội ngũ giáo viên dạy đúng phân môn theo CT GD 2018; thứ 2 là tham mưu cho UBND huyện xây dựng phòng ốc, trang thiết bị đầu tư cho các trường; thứ 3 về chất lượng đã nâng lên.

Có thể thấy, đi lên cùng với sự phát triển của địa phương, sự nghiệp giáo dục tỉnh Kon Tum đến nay đã có nhiều khởi sắc. Nổi bật, 100% giáo viên THPT, gần 88% giáo viên THCS, hơn 77% giáo viên  tiểu học và trên 85% giáo viên  mầm non đạt chuẩn và trên chuẩn. Công tác phổ cập, 100% huyện thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Số xã, phường, thị trấn và huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2  được giữ vững. Đồng thời chất lượng giáo dục vùng DTTS cải thiện rõ nét. Tỉ lệ học sinh người DTTS tốt nghiệp THPT duy trì từ 95-98%. Đây là động lực để ngành GD&ĐT phấn đấu trong thời gian đến. Bà Phạm thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết: “Thời gian đến tập thể lãnh đạo sở, cán bộ lãnh đạo toàn ngành sẽ tham mưu các cấp có thẩm quyền triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển đội ngũ nhà giáo đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng; huy động có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất và triển khai sử dụng có hiệu quả các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước hỗ trợ đối với học sinh và nhà giáo, đối với các cơ sở giáo dục để tăng cường các điều kiện, để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục.”

Đi qua bao gian khó, ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum được tiếp thêm động lực đáp ứng nhu cầu đổi mới toàn diện. Đồng thời, khẳng vị trí trong việc nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *