(kontumtv.vn) – Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Kon Tum gặp không ít khó khăn, thách thức khi thiếu giáo viên. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay, buộc các cấp ngành, địa phương và nhất là ngành GD&ĐT tỉnh vào cuộc quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trường học trên địa bàn tỉnh.

Mỗi tuần, lịch công tác của thầy giáo Trần Minh Tiến ở Trường PTDT Bán trú TH&THCS xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei bao gồm 34 tiết dạy môn Toán và 8 tiết môn Tin học. Mỗi giờ lên lớp, thầy đều chuẩn bị hết sức chu đáo giáo án của từng môn. Cùng lúc kiêm nhiệm giảng dạy 02 môn học, tuy quen dần nhiệm vụ này trong 02 năm nay nhưng thầy vẫn mong nhà trường sớm tuyển dụng được giáo viên môn Tin học để bản thân có thêm thời gian tập trung vào chuyên môn.

Cùng một lúc giảng dạy 02 môn học trở lên không phải là điều hiếm thấy ở những trường học hiện thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh. Về cơ bản, đây là giải pháp nhằm giải quyết phần nào những áp lực của việc khó tuyển dụng giáo viên đến giảng dạy tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tại Trường THCS Đăk Tờ Kan của huyện Tu Mơ Rông, vì thiếu 02 giáo viên môn Toán nên hiện nay, nhà trường tạm thời bố trí giáo viên chuyên trách Tin học đứng lớp hỗ trợ. Tất cả các tiết dạy ngoài phân môn đều được  trường đảm bảo chi trả, không để giáo viên phải thiệt thòi. Dù vậy, giải pháp lâu dài vẫn là nỗ lực tuyển dụng thêm giáo viên để từng bước tháo gỡ khó khăn, giảm bớt áp lực cho các trường học. Tại huyện Đăk Glei, hiện nay, với việc thiếu hơn 100 giáo viên, ngành GD&ĐT địa phương đang lên phương án tuyển dụng trên 70 biên chế trong năm học này. Theo bà Nguyễn Thị Thương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei, với những địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, để thu hút được đội ngũ giáo viên về công tác, gắn bó với địa phương, điều quan trọng là cần có những cơ chế đặc thù mang tính khuyến khích, động viên. Bà Nguyễn Thị Thương cho biết: “Phòng GD&ĐT và Phòng Nội vụ đang tham mưu UBND huyện triển khai tuyển dụng trước tháng 11/2023. Còn trên địa bàn hiện nay, đối với thực hiện Chương trình GDPT mới, nguồn tuyển dụng rất là khó đối với giáo viên Tin học, Anh văn, Âm nhạc, Mỹ thuật. Vì nguồn này từ những đợt tuyển dụng trước vẫn khó khăn. Tuy nhiên Phòng cũng đã tham mưu cho huyện xin ý kiến UBND tỉnh về vấn đề liên quan đến hợp đồng giáo viên trong biên chế được giao để đảm bảo nhiệm vụ dạy học trong năm học mới. Còn đối với một số trường đã có giáo viên Tin học, Anh văn mà số tiết quá nhiều thì đơn vị sẽ bố trí phù hợp đối với từng lớp học.”

Trong năm 2023, UBND tỉnh giao tổng biên chế sự nghiệp cho ngành GD&ĐT gần 11.500 người; trong đó, biên chế giáo viên gần 9.500 người; còn lại là đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên. Dù tăng thêm 390 biên chế so với năm 2022 nhưng trên địa bàn tỉnh hiện vẫn thiếu hơn 800 giáo viên, nhất là giáo viên bậc học mầm non và giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật. Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, ngay từ đầu năm học, ngành GD&ĐT tỉnh thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, tập trung sắp xếp, bố trí hợp lý nguồn giáo viên trên địa bàn: “Đối với việc thiếu giáo viên, các Phòng GD&ĐT cũng đã tham mưu Huyện uỷ, UBND các huyện có chủ trương về việc luân chuyển, điều động giáo viên từ đơn vị thừa sang đơn vị thiếu, bố trí giáo viên ở những trường hiện nay đang còn thiếu những bộ môn Tin học, ngoại ngữ. Sở GD&ĐT cũng đã tiến hành bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên cấp THCS môn Tiếng Anh, môn Tin học để trước mắt có thể xuống hỗ trợ trường Tiểu học và các cấp học Tiểu học trong các trường liên cấp để tổ chức dạy học đảm bảo các lớp 3, 4 trong năm nay được học Tin học theo chương trình mới.”

Sở GD&ĐT khuyến khích ngành GD&ĐT các địa phương linh hoạt triển khai các giải pháp. Cụ thể như những địa bàn thuận lợi, Sở GD&ĐT gợi ý phương án dạy học trực tuyến kết hợp luân phiên với các học tiết trực tiếp trên lớp đối với những bộ môn còn thiếu giáo viên. Tại nhiều cuộc họp của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thời gian gần đây, các sở, ngành, địa phương đề xuất thêm nhiều phương án để từng bước tháo gỡ khó khăn cho ngành GD&ĐT trước tình trạng thiếu giáo viên. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chất lượng dạy và học trong nhà trường theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *