(kontumtv.vn) – Hội thi cồng chiêng – xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất, năm 2022 quy tụ 800 nghệ nhân đến từ 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, trong tổng số các nghệ nhân tham dự Hội thi, có khoảng 200 nghệ nhân tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 12 đến 17 tuổi. Điều này cho thấy thế hệ trẻ vẫn yêu thích và rất quan tâm đến nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Hội thi cồng chiêng – xoang được tổ chức dịp này không chỉ là dịp để các nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh giao lưu, gặp gỡ, đây còn là cơ hội để nghệ nhân phô diễn tài năng, sự am hiểu về nghệ thuật truyền thống đến công chúng. Trong số đó, phải kể đến sự tham gia tích cực của các nhệ nhân trẻ tuổi. Điểm thú vị là đã có những tiết mục biểu diễn được thể hiện hoàn toàn bởi những nghệ nhân tuổi đời còn rất trẻ, từ 12 tuổi trở lên. Cụ thể là bài chiêng “Hai anh em” do 32 nghệ nhân đến từ xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông trình diễn đã mang đến cho khán giả từ bất ngờ đến thích thú. Bắt đầu tập đánh trống từ năm 10 tuổi, sau hơn 02 năm, em A Prô Đương đã có thể chơi nhuần nhuyễn nhiều bài trống cùng dàn chiêng. Ở tuổi 12, em thể hiện tình yêu mãnh liệt với trống và nghệ thuật dân tộc: “Em tập với anh chị cái trống rất là vui và thoải mái. Với những người khác xung quanh em cảm thấy không ngại.”

Là anh cả của đội nghệ nhân nhỏ tuổi xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, em A Bliêm được cả đội tin tưởng bầu làm đội trưởng. Em cho biết, để thể hiện đúng tinh thần bài chiêng “Hai anh em”, cả đội có gần 02 tuần tập luyện. Ngoài giờ học trên lớp, các em chủ yếu tranh thủ thời gian rảnh buổi tối để luyện tập cùng nhau. Cứ thế, anh chị lớn bày chỉ cho em nhỏ hơn rồi dần rút kinh nghiệm và hoàn thiện tiết mục biểu diễn. Em A Bliêm tự hào chia sẻ: “Bắt đầu từ năm học 12 đây là em tập chiêng và em đang đánh chiêng số 6. Em cảm thấy phù hợp với cái chiêng đó, bởi vì cái chiêng đó là chiêng để dìu cho tất cả cả đội. Ví dụ như trong đội có cái chiêng nào sai thì số 6 là chiêng để cứu cho tất cả cồng chiêng trong đội.”

Tập cồng chiêng từ năm 7 tuổi, đến nay em A Xê Rốt đến từ đoàn nghệ nhân huyện Đăk Glei đã có 8 năm gắn bó với loại nhạc cụ truyền thống này. Với em, cồng chiêng đã ngấm vào máu thịt, gần như hơi thở, đến nỗi không có chiêng, em như thấy mất đi điều quan trọng với mình. Chính ông nội và người cha thân yêu đã truyền cho em niềm đam mê cồng chiêng đến say đắm. Em A Xê Rốt bày tỏ quyết tâm: “Năm nay là lần đầu tiên em được đi thi cùng đoàn, cảm nhận của em là rất phấn khích và hào hứng. Trong bài biểu diễn của đoàn, vai trò của em là đánh chiêng cùng với các bác, các chú. Em tập cùng các bác là hơn 3 tuần và tập lần đầu thì khó nhưng mà vì em cố gắng phấn đấu nên em sẽ đánh hay nhất để đội giành chiến thắng.”

Nhìn thấy tương lai cồng chiêng trong chính lứa tuổi nhỏ, những nghệ nhân thế hệ trước đang nỗ lực trao truyền lại cho con cháu nghệ thuật độc đáo này, không chỉ là cách đánh chiêng, cảm âm mà còn thổi vào tâm hồn mỗi người trẻ nguồn cội dân tộc, tình yêu với cái đẹp của ông cha. Nghệ sĩ ưu tú A Đuh, thành viên Hội đồng giám khảo Hội thi khẳng định: “Người trẻ sẽ kế tục, tiếp tục giữ gìn cái bản sắc của mình, sau này nó sẽ giữ được nếu không có các cụ bên cạnh. Chương trình bao giờ cũng phải như thế, để có những đứa trẻ là người ta sẽ tiếp tục phát huy, còn mình là những già truyền lại cho họ để họ nắm được cái truyền thống của mình.”

Hội thi cồng chiêng – xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ nhất năm 2022 bước sang ngày thi thứ hai với nhiều bất ngờ và thú vị cho khán giả. Chính sự tham gia tích cực của những nghệ nhân trẻ đã làm không khí Hội thi trở nên sôi nổi, hứng khởi, tràn đầy sự tươi mới. Từ đây, niềm tin vào tương lai nghệ thuật truyền thống càng được thắp sáng./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *