(kontumtv.vn) – Như đã thông tin, tại thôn Kon Kum (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, Kon Tum) đã xảy ra vụ việc hơn 20 người phải đi cấp cứu và đã có 2 người tử vong tại bệnh viện. Vấn đề đang được dư luận rất quan tâm.

Hiện nay, tại thôn Kon Kum các ngôi nhà gần như đều đóng cửa vì người dân đã đi làm nương rẫy, trong đó có các trường hợp vừa được Trung tâm Y tế huyện Kon Plông cho xuất viện vào ngày 9/3. Anh A Nêng, Thôn trưởng thôn Kon Kum cho biết: “Bệnh từ ngày nào thì không biết, không rõ nguyên nhân là bệnh gì nên rất là lo lắng, từ đó đến nay rồi có một số người nhập viện, đi theo dõi dưới Trung tâm Y tế đến nay dân đã trở về tôi rất là phấn khởi, an tâm sản xuất, đi làm ruộng, làm giống, gieo mạ xuống giống bình thường”.

Gia đình chị Y Mui nằm trong các trường hợp phải nhập viện. Buồn khi làng xảy ra chuyện nhưng chị đã lấy lại tinh thần, bắt tay vào làm đất chuẩn bị gieo trồng tại mảnh ruộng sau nhà. Chị Y Miu nói: “Trong làng có người nằm viện, có người chết, mình lo lắng, họ về rồi phấn khởi”.

Ngay khi sự việc xảy ra, UBND xã Măng Cành đã phối hợp với cơ quan chức năng khoanh vùng và triển khai công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu độc khử trùng, truyền thông phòng chống dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm. Ông Mai Xuân Mậu, Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết: “Hiện tại và thời gian tới xã sẽ tiếp tục cùng cơ quan Y tế xuống thôn để tuyên truyền cho người dân yên tâm, đỡ lo lắng về vấn đề dịch bệnh để bà con hiểu bệnh trên địa bàn thì cũng ở mức độ an toàn chứ chưa phải hoang mang lo lắng lắm”.

Từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, thôn Kon Kum có hơn 20 người dân phải nhập viện tuyến huyện và tuyến tỉnh cấp cứu trong tình trạng nôn ói, chóng mặt, đau đầu, ý thức kém, vận động yếu. Trong đó, có 2 trường hợp tử vong tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Những ngày qua chưa phát hiện thêm trường hợp mới, hiện còn 1 trường hợp đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Kon Plông và 4 trường hợp điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Ông Đặng Văn Điền, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kon Plông cho biết: “Từ ngày 22/2 thì đơn vị tiếp nhận 6 trường hợp, cả 6 trường hợp này đã chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 18 người ở làng Kon Kum có liên quan đến yếu tố dịch tễ chứ không liên quan đến chùm ca bệnh. Ngày 9/3 thì đã có 17 người xuất viện, sức khỏe của những người này ổn định còn 1 trường hợp là A Noa đang tiếp tục điều trị tại Trung tâm Y tế vì bị viêm họng”.

Riêng trường hợp ông A Noa ở thôn Măng Pành, xã Măng Cành, sau khi đi đám tang tại thôn Kon Kum thì có triệu chứng chóng mặt, đau bụng và nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Kon Plông vào ngày 4/3. Hiện ông Noa vẫn tiếp tục điều trị. Chị Y Ró, người nhà bệnh nhân A Noa nói: “Bố tôi thì đi đám tang dì dưới Kon Kum thế rồi bố đau bụng, chở bố nhập viện xong rồi có hiện tượng phình bụng lên, rồi đau bụng tiếp đến bây giờ luôn. Trong Kon Kum 3 người mất thì cả nhà cũng rất lo lắng, cũng mong bố được khỏe sớm”.

Theo nhận định Sở Y tế tỉnh Kon Tum, những ca bệnh tại thôn Kon Kum nhiều khả năng do ngộ độc thực phẩm. Trước đó, nhiều người đã tham gia Lễ Chuồng trâu, ăn món cá suối, gà, thịt trâu gác bếp và uống rượu mì, rượu gạo. Theo người dân trong thôn, nguyên nhân phải nhập viện có thể do thức ăn hoặc rượu dù đó là các món truyền thống của người Xê Đăng nhánh Mơ Nâm. Anh A Nêng, Thôn trưởng thôn Kon Kum cho biết: “Phong tục làm chuồng trâu, một nhóm là 4,3 nhà, trong 3, 4 nhà 5, 6 hộ, 2, 3 hộ cũng có. Đến là người thân, người nhà đi lấy chồng lấy vợ ở các xóm khác thì vẫn mời đến uống. Cũng trồng mì gòong, mì cao sản, lẫn lộn một ít nấu cùng mì gòong cũng bị độc, ngày xưa là men truyền thống ông bà lấy cây lấy rễ về làm men nhưng nay men từ ngoài chợ về làm, không biết nguồn gốc, độc có khi là cũng có. Thức ăn giờ cá mới lấy từ suối về ăn ngay thì không sao nhưng có hộ gia đình gác bếp mai rồi mới ăn có khi nó có con ruồi nó đậu trúng ăn cũng độc”.

“Thói quen trong sử dụng thực phẩm và bảo quản thực phẩm, họ gác bếp, quá trình bảo quản cách đấy có vấn đề về vi khuẩn, tác động về môi trường, nó cũng không tốt cho sức khỏe. Xã cũng đang mạnh mẽ tuyên truyền cho bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm và cách sinh hoạt ăn uống hợp vệ sinh, phải thay đổi về nhận thức”. Ông Mai Xuân Mậu, Chủ tịch UNND xã Măng Cành nói.

Thôn Kon Kum, xã Măng Cành có 73 hộ dân. Sự việc xảy ra rất đau lòng và để lại hệ lụy lớn. Mong rằng, cơ quan chức năng sẽ sớm có lời giải đáp chính thức về nguyên nhân hàng chục người dân Kon Kum đi cấp cứu, không để trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *