Văn của ông hồn hậu, mộc mạc, tự nhiên nhưng luôn cuốn hút người đọc bởi những chi tiết sinh động, đầy kịch tính.

Chiều 13/2, nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ trần ở tuổi 82.

Ngay lập tức, trên diễn đàn, các mạng xã hội tràn ngập những dòng tiếc nuối về sự ra đi của một cây đại thụ của văn học cách mạng, một biểu tượng của văn chương Nam bộ. Dẫu biết sinh tử là quy luật của tạo hóa nhưng khi đón nhận thông tin này, lòng vẫn chùng xuống!

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh ra trong một gia đình thợ bạc ở An Giang. Năm 1946, ở tuổi 14, ông đã hồ hởi đi theo cách mạng.

Ba trong số nhiều tác phẩm nổi bật của nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Khởi nghiệp viết văn ở miền Nam từ năm 1952 (bản thảo tiểu thuyết Đất lửa), nhưng phải đến khi tập kết ra Bắc, ông mới in tác phẩm đầu tay – truyện ngắn Con chim vàng trên Tuần báo Văn Nghệ năm 1956.

Truyện ngắn đầu tay này đã bộc lộ một tài năng văn chương triển vọng. Những năm sau đó, ông lần lượt cho ra đời nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết xuất sắc viết về Nam bộ, nổi tiếng nhất là Chiếc lược ngà, Đất lửa… xác lập một phong cách văn xuôi độc đáo.

Nói đến Nguyễn Quang Sáng, bạn văn, độc giả nhớ một nhà văn Nam bộ điển hình, một người kể chuyện bẩm sinh. Giọng văn của ông hồn hậu, mộc mạc, tự nhiên như mảnh đất Nam bộ quê hương mà như nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nhận xét là “nó sục lên mùi vị của sông nước Tháp Mười, cả cái chất đậm đặc không thể trộn lẫn”.

Truyện ngắn, tiểu thuyết của ông luôn rất lôi cuốn bởi thực tế đời sống cuồn cuộn trong từng trang viết, nhiều chi tiết đắt, giàu kịch tính nhưng vẫn đậm chất trữ tình. Chính đặc trưng ấy đã giúp tác phẩm của ông sống mãi với thời gian, được nhiều thế hệ độc giả đón nhận!

Những ai từng biết đến Nguyễn Quang Sáng sẽ không bao giờ quên truyện ngắn Chiếc lược ngà, tác phẩm đã vượt qua sự minh họa giản đơn về những bi kịch của chiến tranh, làm rung động trái tim người đọc, đạt đến chiều sâu nhân văn cao cả.

Sau năm 1975, Nguyễn Quang Sáng còn lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh. Ông là tác giả kịch bản của các phim thuộc hàng kinh điển của điện ảnh cách mạng như Mùa gió chướng (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên), Cánh đồng hoang, Pho tượng… Trong đó, phim Cánh đồng hoang (đạo diễn Hồng Sến) được xem là tác phẩm điện ảnh thành công nhất của Việt Nam từ trước đến nay.

Phim được tặng Bông sen Vàng Liên hoan phim toàn quốc 1980, Giải Vàng Liên hoan phim Moskva (Liên Xô cũ) năm 1981. Cùng với tiểu thuyết và truyện ngắn, những kịch bản phim của ông đã góp phần vẽ nên bức tranh sinh động về Nam bộ với những con người tràn đầy nhiệt huyết cách mạng của những năm kháng chiến.

Có thể nói, Nguyễn Quang Sáng sinh ra là để cho văn chương nghệ thuật. Cuộc đời ông giống như một lực điền, hết truyện ngắn, tiểu thuyết lại khai phá điện ảnh, mảnh đất nào cũng có những vụ mùa tốt tươi.

Ông từng tâm sự: “Nghệ thuật không có cái đỉnh cuối cùng. Có những cái đỉnh càng leo càng gần, nhưng cái đỉnh của nghệ thuật, của văn học càng leo càng thấy xa. Với tôi, văn học là con đường càng đi càng xa, đi mãi không dừng…”.

Cho đến năm 80 tuổi, ông vẫn viết kịch bản phim Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt. Tình yêu nghề lớn lao và con đường cầm bút bền bỉ của ông khó ai bì kịp.

Giờ đây, ông đã trở về với “dòng sông tuổi thơ” của mình. Ở nơi đó, chắc hẳn ông sẽ vui vẻ cùng những người bạn một thời như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Chim Trắng… và trong những cuộc vui ấy chắc sẽ không thiếu rượu, thứ đồ uống mà ông yêu thích./.

Xuân Thành/Báo Khánh Hoà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *