(kontumtv.vn) – Sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP, cả nước có hơn 13 triệu người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 được thụ hưởng chính sách. Nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức thiện nguyện… đã và đang góp phần thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trợ giúp linh hoạt

Đợt dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đã tác động lớn đến đời sống của người dân, người lao động. Bên cạnh các giải pháp phòng chống dịch, việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân được các địa phương đặc biệt quan tâm.

Chú thích ảnh
Phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) chuẩn bị hàng hóa, phần quà hỗ trợ những hộ có hoản cảnh khó khăn.

Theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH), ngay từ đầu tháng 7, TP Hồ Chí Minh đã triển khai gói hỗ trợ lần 1 các nhóm đối tượng lao động thất nghiệp, hoãn việc, nghỉ việc không hưởng lương và khoảng 365.000 lao động tự do. Tổng kinh phí hỗ trợ là 576 tỷ đồng.

Từ đầu tháng 8/2021, TP Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ đợt 2 cho những lao động tự do (không có hợp đồng lao động) mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày và chi hỗ trợ một lần là 1,5 triệu đồng/người/30 ngày. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ được nhận 1,5 triệu đồng/hộ (hỗ trợ trực tiếp 1 lần).

Trong khi đó, Hà Nội triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và bổ sung thêm 10 nhóm đối tượng đặc thù. Với cách làm linh hoạt, chủ động từ một số địa phương, những lao động khó khăn được xác nhận thủ tục để nhận hỗ trợ.

Vợ chồng anh Trần Văn Lâm và chị Lê Thị Huyền, tổ dân phố 11 (phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) là những người lao động tự do đầu tiên được nhận hỗ trợ từ cuối tháng 7. Anh Lâm cho biết: “Vợ chồng chúng tôi cùng làm nghề tóc. Trước đó, gia đình cũng vài lần đóng cửa để thực hiện giãn cách nên rất khó khăn. Sau khi được hướng dẫn, chúng tôi làm đơn theo mẫu và được duyệt cả 2 người, mỗi người 1,5 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình trang trải một phần nhu cầu sinh hoạt.

Còn chị Nguyễn Thu Huyền (tạm trú tại tổ 1, phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) quê Thái Bình lên Hà Nội sinh sống hơn 3 năm nay, bán hàng ăn sáng ở chợ, nhưng do dịch thực hiện giãn cách nên phải nghỉ. Chị Huyền cho biết: “Do chưa làm “thủ tục xác nhận không nhận hỗ trợ ở quê” nên theo hướng dẫn, tôi viết cam kết chỉ nhận hỗ trợ ở nơi tạm trú”.

Để gỡ “vướng” thủ tục về yêu cầu xác nhận tạm trú và không lĩnh 2 lần, Sở LĐTBXH Hà Nội hướng dẫn các quận huyện cho phép nhận xác nhận qua mail, zalo… Ông Nguyễn Quang Hồng, Trưởng phòng LĐTBXH quận Cầu Giấy cho biết: Trước ngày 15/8, quận mới hỗ trợ cho 123 lao động tự do có hộ khẩu thường trú trên địa bàn. Sau khi tháo gỡ về thủ tục hành chính, đầu tuần này, quận đã có 174 lao động tự do được nhận hỗ trợ.

Tính đến sáng 17/8, Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn 1,5 triệu lao động, với số tiền gần 194 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ cho hơn 14.600 lao động tự do với kinh phí gần 22 tỷ đồng (1,5 triệu đồng/người); hỗ trợ cho gần 9.000 trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế với kinh phí hơn 12 tỷ đồng; hỗ trợ cho hơn 2.300 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền hơn 6,5 tỷ đồng…

Đến nay 63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hỗ trợ lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Tùy theo tình hình thực tế, các địa phương ban hành chính sách cụ thể. Đơn cử như Bình Dương hỗ trợ tiền nhà trọ cho 700.000 người lao động với tổng số tiền 210 tỷ đồng; tỉnh Hòa Bình và Bạc Liêu hỗ trợ thêm cho lao động tự do đang mang thai 1 triệu đồng/lần…

Cùng với sự vào cuộc của toàn xã hội, các nhà hảo tâm với tinh thần “ai có gì hỗ trợ đó” đã góp phần hiệu quả hỗ trợ người dân. Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, đã có nhiều hình thức sáng tạo như: Cây gạo ATM, siêu thị 0 đồng…. Đặc biệt là mô hình “túi an sinh xã hội” với hỗ trợ nhu yếu phẩm theo từng thời gian cụ thể là cách làm thiết thực, đảm bảo dân không bị thiếu, không bị đói, giúp người dân yên tâm thực hiện Chỉ thị 16.

Đơn giản tối đa thủ tục

Theo Bộ LĐTBXH, về tiến độ chi trả, 12 chính sách được chia làm 3 nhóm, trong đó: Chính sách về bảo hiểm xã hội, Chính sách hỗ trợ tiền mặt, Chính sách cho vay trả lương và phục hồi sản xuất..

Chú thích ảnh
Những lao động tự do đầu tiên tại Hà Nội nhận hỗ trợ.

Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã giảm 2/3 thời gian, cắt giảm 2/3 thủ tục so với Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020. Theo đó, thủ tục hỗ trợ đã đơn giản, gọn nhẹ, thời gian rất nhanh chóng. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, một số chính sách đang triển khai chậm do nhiều địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc làm thủ tục hồ sơ khá khó khăn, người lao động cũng không đi lại được để hoàn thiện thủ tục. Bên cạnh đó, người lao động và người sử dụng lao động cũng hiểu về các chính sách chưa thật cặn kẽ nên chưa tích cực gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Ông Lê Văn Thanh cho biết: Chính sách đang triển khai đạt hiệu quả nhất là chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho khoảng 375.000 đơn vị sử dụng lao động với gần 11 triệu người được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với số tiền 4.400 tỷ đồng. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát toàn hệ thống và tự động giảm mức đóng bằng 0% cho người sử dụng lao động. Do đó, về cơ bản đã hoàn thành chính sách này.

Một số vướng mắc khi phát sinh trên thực tế cũng được Bộ LĐTBXH gỡ vướng. Đơn cử, một số doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn khi làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội đã được tháo gỡ; Xác nhận của BHXH được giải quyết theo hình thức trực tuyến, trong 1 ngày làm việc là hoàn thiện; xác nhận về quyết toán thuế của cơ quan thuế có thẩm quyền cũng được thực hiện theo hình thức trực tuyến, doanh nghiệp chỉ cần gửi quyết toán… Nhờ đó, đến ngày 13/8, chính sách cho vay trả lương và phục hồi sản xuất đã hỗ trợ cho hơn 42.000 lao động với số tiền trên 170 tỷ đồng.

Cùng với đó, các thủ tục cho lao động nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng… ở các khu vực cách ly, Bộ LĐTBXH đã hướng dẫn cho phép xác nhận qua trực tuyến, yêu cầu các địa phương tuyên truyền để các nhóm đối tượng tìm hiểu kỹ thủ tục, đề xuất cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp sớm thực hiện.

Trên thực tế, một số địa phương chủ động triển khai chính sách hỗ trợ tới người dân. TP Hồ Chí Minh sử dụng tổ COVID-19 cộng đồng để làm thủ tục và hỗ trợ tiền đến tận tay người lao động tự do. Tỉnh Ninh Thuận lập tổ công tác đặc biệt đi xuống từng nhà dân, trực tiếp nhận hồ sơ và hỗ trợ dân hưởng chính sách. Một số địa phương phía Nam lựa chọn ngành nghề đặc thù để hỗ trợ và chỉ cần xác nhận tạm trú của cơ quan công an nơi người lao động tạm trú,…

“Quan điểm của Bộ LĐTBXH là không thêm bất cứ hồ sơ thủ tục tại Quyết định 23, mà chỉ có đơn giản hóa. Có những chính sách không cần yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động cung cấp hồ sơ bởi cơ sở dữ liệu đã sẵn có. Những thủ tục nào thật cần thiết, trong quy định của luật mới cần bắt buộc tuân thủ. Việc này để tránh “một đồng gà ba đồng thóc”, lao động phải đi lại tàu xe tốn kém hơn tiền hỗ trợ và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan (Cán bộ LĐTBXH, phường 15, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh): Đơn giản hoá thủ tục để dân nhanh tiếp cận chính sách Cả 2 đợt triển khai hỗ trợ cho lao động gặp khó khăn và các hộ nghèo, cận nghèo triển khai nhanh gọn là do thủ tục được đơn giản hóa. Theo đó, tổ dân phố lập danh sách đang cư trú trên địa bàn, ngành nghề sau đó được UBND phường xác nhận là tiến hành chi trả. Khi nhập danh sách lên hệ thống phần mềm, nếu thấy trùng thì hệ thống sẽ báo để bỏ ra.
Theo Bộ LĐTBXH, sau một tháng triển khai NQ 68/NQ-CP, số lao động đã được hỗ trợ trên cả nước là hơn 13 triệu lượt người với tổng số tiền là gần 6.000 tỷ đồng.
XM/Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *