(kontumtv.vn) – Với tinh thần “Kính chúa, yêu nước” sống tốt “Tốt đời – Đẹp đạo”, thời gian qua, những già làng, giáo phu, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đăk Hà đã phát huy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, trở thành những cánh chim đầu đàn, dẫn dắt dân làng đến với ấm no.

Nằm cách đường Quốc lộ 14 hơn 7 km về phía Tây, làng Kon Trang Mơ Nây của xã Đăk La nằm yên bình giữa bạt ngàn cà phê, cao su trù phú. Già làng A H’Lơn luôn trăn trở về cái nghèo, cái đói của dân làng. Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho người dân tộc thiểu số làm ăn, bản thân ông đã tiên phong trong việc vay vốn của Nhà nước để phát triển trên 1.200 cây cà phê. Khi cây cà phê cho thu hoạch, với số tiền thu nhập được, ông tiếp tục vay thêm nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện đầu tư chăn nuôi bò. Đến nay, không chỉ trả hết nợ ngân hàng, ông còn vươn lên trở thành một trong số người có kinh tế khá nhất vùng. Già làng A H’Lơn chia sẻ: “Chủ yếu nhờ ngân hàng họ cho vay vốn mới mua được nhiều bò. Nếu mình tự sản xuất thì mình không mua nổi bò đâu. Có bò rồi thì mình làm chuồng, chăn nuôi, lấy phân đó bón cho cây cà phê. Cà phê hợp nên nó tốt hơn là bón cái phân hóa học”.

Làng Kon Trang Mơ Nây có 285 hộ với hơn 2.000 giáo dân người Ba Na, nhánh Rơ Ngao. Trước đây, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào việc phát triển các loại cây trồng ngắn ngày như mì, lúa một vụ. Sau nghe theo già A H’Lơn khuyên bảo, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, dân làng đã phát triển được gần 200 ha cà phê, 150 ha cao su, trên 1.000 cây ăn trái trồng xen canh trong vườn và chăn nuôi được gần 300 con bò, dê. Người làng tin, nghe và làm theo già làng A H’Lơn, đời sống khấm khá hơn, con em đều được đến trường. Thôn có gần 160 hộ được công nhận gia đình văn hóa. Già làng A H’Lơn nói: “Họp với dân làng, sống như thế nào thì cũng phải theo Đảng, Nhà nước, theo chính quyền. Phái sống sao cho đẹp đời, tốt đạo. Chăm lo phát triển kinh tế, làm cà phê, làm ruộng. Mấy dân làng nghe mình tuyên truyền thế thì mới làm theo”.

Ông A Bi, Thôn trưởng thôn Kon Trang Mơ Nây, xã Đăk La, huyện Đăk Hà  cho biết: “Thôn 8 chúng tôi 1 – 2 năm nay không như ngày xưa nữa. Ngày xưa thì còn nghèo khó chứ 1 – 2 năm nay thì đã biết phát triển kinh tế, làm cà phê, chăn nuôi, cùng nhau đoàn kết, cùng nhau vươn lên”.

Không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình, già làng A Thuih được người dân tại thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà quý mến và tin yêu bởi ông luôn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Sau khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, trách nhiệm của già A Thuih càng nặng nề hơn. Ông vừa một lúc đảm nhiệm làm “nhạc trưởng” của đội nghệ nhân dân gian với 42 thành viên, sẵn sàng tham gia biểu diễn trong và ngoài huyện, vừa là người thầy tận tâm truyền dạy, “giữ lửa” văn hóa dân gian cho 3 lớp cồng chiêng, xoang ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Nghệ nhân Ưu tú A Thuih, Chủ nhiệm CLB Văn hóa dân gian thôn Kon Trang Long Loi chia sẻ: “Không thể nói làm sao để cho người ta buồn được. Phải nói và năn nỉ người ta để người ta hiểu được sau này làng trở thành làng du lịch cộng đồng. Thì người dệt phải nâng cao tay nghề của mình, người đan lát thì đan lát sao cho thật tốt, chăn nuôi thì phải sạch sẽ để làm sao khách đi, khách qua lại họ nhìn thấy mình sạch sẽ. Rồi còn phải sống sao cho thật tốt, niềm nở với mọi người khách thì họ mới để ý đến làng mình chứ”.

Hiện nay, huyện Đăk Hà có 65 già làng là người có uy tín trong vùng DTTS, vùng có đạo. Bên cạnh vận động giáo dân, dân làng sống tốt đời đẹp đạo, phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, phát huy bề dày kiến thức, kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng của mình trong cộng đồng, đội ngũ người có uy tín đã làm tốt nhiệm vụ cầu nối truyền tải nhưng vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương đến với bà con nhân dân. Đồng thời là những người trực tiếp gìn giữ khối đoàn kết ở khu dân cư, tham gia có hiệu quả công tác đấu tranh, phát hiện, tố giác tội phạm, giúp lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ông A Nẻo, Bí thư chi bộ, Thôn trưởng thôn Đăk Kang Yốp, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà nói: “Nói chung thì phải gần dân, sát dân, và nói cho dân hiểu, biết, tin. Mình không công tác tốt thì dân không bao giờ tin, không hiểu. Đến bây giờ nếu dân vi phạm pháp luật, việc nhỏ mình hòa giải tại thôn, việc to lên xã báo công an, chính quy xuống hòa giải trực tiếp”.

“Đây cũng là một cái kênh để nắm bắt kịp thời các thông tin của các cấp chính quyền để truyền đạt một cách hiệu quả đến với người dân. Cũng nhờ công tác phối hợp giữa đội ngũ già làng với công an và chính quyền địa phương rất tốt nên khi có những biểu hiện hoặc những đối tượng lạ từ nơi khác đến thì bà con người ta đều báo để chúng tôi có giải pháp ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả ngay từ bước đầu”. Thượng tá Phan Dần, Phó Công an huyện Đăk Hà cho biết.

Là địa phương có sự đa dạng về dân tộc, tôn giáo, và văn hóa, trong hành trình xây dựng và phát triển, huyện Đăk Hà luôn ghi nhận và biểu dương những đóng góp lớn lao và bền bỉ của các già làng, người có uy tín trong vùng DTTS, luôn song hành cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương hướng dẫn người dân chung tay xây dựng quê hương ngày càng phồn thịnh.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *