(kontumtv.vn) – Gia đình là cái nôi ban đầu giáo dục, hình thành đạo đức, nhân cách con người. Đặc biệt ở những gia đình có nhiều thế hệ ông, bà, cha, mẹ, con, cháu cùng chung sống hòa thuận, gắn bó, góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam.

Tại thôn 6, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum, gia đình của ông Phạm Thế Định có một sự khác biệt so với nhiều gia đình khác. Hai người con trai của ông sau khi lập gia đình đều làm nhà sát với nhà ông, tạo thành một căn nhà 3 gian lớn. Để giữ nền nếp gia phong, ông luôn dạy dỗ con cháu phải biết kính trên, nhường dưới, tôn trọng lẫn nhau, sống hòa thuận vui vẻ. Nhờ đó gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa nhiều năm liền. Ông Phạm Thế Định cho biết: “Nhà thì như thế này nhưng tôi ở giữa, 2 con tôi ở hai bên, vô ra qua lại thường xuyên, mong sao còn sống như thế này được ngày nào thấy tình cảm gia đình gắn bó, đùm bọc yêu thương nhau. Tôi với vợ làm gương cho con mình học hỏi và sau đó con cái tiếp tục làm gương nuôi dạy cháu, giờ này mái ấm gia đình đã dược 4 thế hệ rồi và chắc sẽ tiếp tục ở thế hệ thứ 5, thứ 6.”

Ông Phạm Thế Định và vợ là bà Đặng Thị Bường đều là cựu chiến binh. Ông bà thường kể cho con cháu nghe về ỷ niệm thời chiến, duy trì việc cả nhà sum họp ăn bữa cơm chung… Nhờ đó, các thành viên trong gia đình thêm gắn kết, xóa dần khoảng cách giữa các thế hệ.

Ở TDP 3, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, gia đình ông Đào Xuân Ninh có 3 thế hệ cùng sinh sống. Trong khu dân cư, gia đình ông có nếp sống văn minh, mẫu mực. Để có được kết quả này, gia đình thường xuyên họp mặt, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn; ông bà cũng góp ý, điều chỉnh hành vi của con cháu. Kế thừa những truyền thống tốt đẹp của gia đình, em Bùi Quang Vinh năm nay 11 tuổi và em gái tự tin hơn, biết quan tâm người lớn tuổi. Em Bùi Quang Vinh rất hạnh phúc trong tình yêu thương của ông bà, cha mẹ: “Con được ở với ông bà từ nhỏ, ông bà và cha mẹ luôn yêu thương con. Ông bà đưa đón con đi học và luôn dạy con học bài. Con rất vui, con hứa sẽ học giỏi để ông bà ngoại và bố mẹ vui lòng.”

Hiện nay, gia đình với không gian sống riêng đang là xu hướng chủ yếu, nhất là trong giới trẻ. Hiểu điều này nên quan điểm của ông Đào Xuân Ninh là việc sống chung dựa trên tinh thần tự nguyện của con cái. Vợ chồng ông rất mừng vì giữ được nếp sống gia đình, khi tuổi già được quây quần bên con cháu. Ông Đào Xuân Ninh nói: “Hiện nay, xã hội phát triển, sống theo tứ đại đồng đường ngày càng ít đi. Riêng đối với gia đình chú, thứ nhất không bắt buộc con cái gì hết, ở chung với nhau cũng nhất trí cho thoải mái. Gia đình mà có con, cháu, chắt cũng thêm cái niềm vui thứ nhất là truyền thống mà cha ông để lại, thứ hai để dạy bảo các cháu ngày càng trưởng thành hơn.”

Chị Đào Thị Mỹ Duyên là con gái của ông Đào Xuân Ninh cho biết, anh chị em trong nhà thấy an tâm khi sống chung có điều kiện gần gũi, chăm sóc cha mẹ, ông bà cũng giúp đỡ rất là nhiều trong việc hướng dẫn các cháu học hành, tình cảm từ đó gắn kết hơn, gần gũi hơn.

Dù gia đình nhiều thế hệ hay gia đình chỉ có 2 thế hệ luôn có vai trò quan trọng trong việc vun đắp giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đó là nền móng vững chắc để xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc./.

Cát Tiên – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *