(kontumtv.vn) – Tỉnh Kon Tum có trên 54% người dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo của tỉnh, Kon Tum gặp không ít khó khăn trong công tác vận động học sinh ra lớp. Duy trì sĩ số học sinh và hạn chế tình trạng bỏ học ở các cấp học, không chỉ ngành GD&ĐT, cả hệ thống chính trị của tỉnh cùng vào cuộc.

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Trị, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm chuyên ngành Địa lý, theo lời giới thiệu của người quen, cô giáo Nguyễn Thị Thuý mạnh dạn vào Kon Tum lập nghiệp. Những năm đầu công tác ở huyện nghèo Kon Plông, sau đó chuyển về Trường THCS xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông, cô cảm nhận sâu sắc những khó khăn, vất vả của thầy và trò nơi đây. Dù vậy, chính những nhọc nhằn về điều kiện sinh hoạt, sự thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến những bữa ăn không đủ no của học trò càng là động lực để cô gắn bó hơn với sự nghiệp trồng người. Hơn 10 năm công tác tại Trường THCS xã Đăk Tờ Kan cũng là bấy nhiêu thời gian cô dành tâm huyết và tất cả tình yêu thương cho học trò. Mỗi ngày, trước giờ lên lớp và sau mỗi tiết dạy, bất kể nắng, mưa, cô cùng các thầy, cô giáo trong trường tích cực đến từng nhà vận động học sinh ra lớp. Trường THCS xã Đăk Tờ Kan đứng chân trên địa bàn có tỷ lệ sinh con thứ 03 trở lên cao nhất huyện và tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao. Tại đây, mỗi gia đình có từ 5 – 7 người con, trường hợp 13, 14 người con không phải hiếm. Không chỉ cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, tình trạng đông con tạo áp lực không nhỏ cho ngành giáo dục. Vì vậy, để đảm bảo triển khai công tác dạy và học tại địa phương, việc duy trì, vận động học sinh ra lớp vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Cô giáo Nguyễn Thị Thuý chia sẻ: “Thường thì buổi sáng sớm 6 giờ kém vào làng vận động các em, rồi đến tiết rảnh hoặc trưa về có khi cả buổi tối nữa, vận động bất kể thời gian, miễn rảnh là xuống làng. Tuy nhiên khó khăn là gia đình đông con, các em phải ở nhà phụ giúp bố mẹ làm kinh tế. Nhiều em cũng muốn đi học lắm nhưng phải ở nhà trông em vì không có ai đi làm. Cho nên giáo viên cố gắng rất nhiều, không những một ngày, một bữa mà thời gian kéo dài từng ngày, từng tháng, từng năm.”

Em Y Máy là học sinh lớp 9 của Trường THCS xã Đăk Tờ Kan. Bố mẹ mất sớm, em hiện ở chung cùng chị gái và anh rể. Lo cho gia đình, Y Máy không thể toàn tâm, toàn ý với việc học. Dù rất thích đến trường, thỉnh thoảng, em buộc phải nghỉ học để hỗ trợ anh chị việc trông cháu, trông em: “Chị đi làm, không có ai ở nhà trông em, em ở nhà. Anh cũng đi làm, lúc này em ở nhà trông cháu. Em muốn học nhưng không được học, em rất là tiếc.”

Với quyết tâm không để học trò phải thiệt thòi, không để có thêm nhiều trường hợp như em Y Máy, thầy, cô giáo Trường THCS xã Đăk Tờ Kan tiếp tục kiên trì vận động gia đình tạo điều kiện cho các em đến lớp. Cùng với đó, nhà trường linh hoạt triển khai các giải pháp nhằm duy trì sĩ số, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Phương án “Bữa ăn trưa miễn phí” ra đời từ đây. Đều đặn trong 02 năm nay, học sinh các khối lớp ở Trường THCS xã Đăk Tờ Kan ăn trưa vào đúng 11 giờ 30 phút. Sau khi trống đánh, đại diện của mỗi lớp xếp hàng ngay ngắn tại khu vực bếp ăn để nhận về các suất cơm trưa miễn phí cho thành viên lớp mình. Mỗi ngày, khẩu phần ăn đều thay đổi liên tục để hợp với khẩu vị của các em. Đặc biệt, việc nấu nướng, chế biến các món ăn đều do chính những người mẹ, người bà của các em thực hiện. Nhà ở làng Tê Xô ngoài, xã Đăk Tờ Kan, chị Y Liên, phụ huynh của một học sinh trong trường cho biết, được nhà trường khuyến khích, động viên, chị mạnh dạn gác lại công việc nương rẫy để mỗi tháng đến nấu ăn cho học sinh từ 02 – 03 lần: “Thầy cô là xin đồ ăn, phụ huynh ở đây giúp nấu một ngày. Từ sáng giờ là phụ giúp. Phụ huynh có con học ở đây là xuống đây nấu, cũng thấy vui cho con được ăn, ăn đồ ngon, ở nhà thì không có đồ ngon như thế này.”

Duy trì sĩ số học sinh và hạn chế tình trạng bỏ học ở các cấp học, việc triển khai linh hoạt các giải pháp là yếu tố then chốt. Nhiều địa phương gắn nội dung này vào nhiệm vụ chính trị thực hiện hàng tháng, hàng quý. Đơn cử như ở các xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Glei, Đảng uỷ, UBND xã chủ động phối hợp với nhà trường triển khai công tác vận động học sinh ra lớp. Thầy giáo Lê Đình Huy, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú TH&DTCS xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei nói: “Việc duy trì sĩ số học sinh đây là vấn đề mấu chốt để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường coi đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Do đó, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tham mưu Uỷ ban xã thành lập các tổ công tác có sự kết hợp với chính quyền địa phương rồi các đồng chí đảng viên trong chi uỷ nhà trường kết hợp với giáo viên và phân công nhiệm vụ phụ trách các thôn. Hàng tuần có sự rà soát để các em học sinh vắng học từ 02 buổi trở lên thì tổ công tác kịp thời đến nhà nắm bắt nguyên nhân nghỉ học do đau ốm hay tự nghỉ học.”

Năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp THCS và THPT có xu hướng giảm trong khi tỷ lệ bỏ học cấp Tiểu học còn cao. Việc linh hoạt triển khai các giải pháp là điểm căn bản giúp duy trì sĩ số học sinh và góp phần tăng tỷ lệ học sinh chuyên cần. Cùng với đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, ngành GD&ĐT các địa phương tiếp tục kiên trì với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trong đó, chú trọng xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện gắn với huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên. Đây chính là những yếu tố giúp thu hút người học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học hiện nay./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *