(kontumtv.vn) – Lò giết mổ tập trung thành phố Kon Tum nằm trên địa bàn phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum hoàn thành, đi vào hoạt động từ năm 2022. Hiện nay, lò mổ xuất hiện bất cập về hệ thống xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng này diễn ra vài tháng gần đây khiến các hộ dân canh tác lúa trong khu vực lo lắng vì ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất cây trồng.

Tại cánh đồng Tu Wuyt, thành phố Kon Tum, gia đình anh A Báo ở thôn Kon HNgo Kơ Tu, xã Vinh Quang canh tác 3 sào lúa. Diện tích này nằm đối diện với lò giết mổ tập trung thành phố Kon Tum. Vị trí dòng kênh mương anh sử dụng tưới lúa là điểm đặt ống dẫn nước thải từ lò giết mổ tập trung thành phố xả xuống.  Các vụ mùa gần đây diện tích trồng lúa của gia đình năng suất, chất lượng sụt giảm. Hiện cây lúa có dấu hiệu cháy lá, lép hạt. Anh A Báo kể: Lò mổ hoạt động từ năm 2022, nước thải ở đây bị ô nhiễm nhiều quá, chảy ra ruộng của tôi làm lúa bị lép, ảnh hưởng rất là nhiều. Bà con quanh đây ảnh hưởng hết luôn, thậm chí nước mình rửa tay hoặc làm cỏ trong ruộng bị dính tay cũng ngứa.”

Dự án lò giết mổ tập trung thành phố Kon Tum được xây dựng với công suất ban đầu khoảng 175 con gia súc/ngày và 2.000 con gia cầm/ngày. Hiện 29 hộ đang hoạt động tại đây. Bình quân mỗi ngày giết mổ 150 con gia súc và 100 con gia cầm, thải ra tầm 50m3 nước xúc rửa, kèm theo dầu mỡ, phân, xác nội tạng… Điều gây chú ý là hệ thống xử lý nước thải của Lò giết mổ có dấu hiệu xuống cấp nặng. Theo thiết kế, bể xử lý nước thải gồm 5 ngăn với ngăn lắng, ngăn tách dầu mỡ và ngăn lọc; thể tích bể khoảng 200m3. Tuy nhiên, thực tế các ngăn lắng, lọc dường như không còn khả năng xử lý. Nước, chất thải không lọc mà dẫn thẳng ra hồ chứa sinh học, ra môi trường bên ngoài, xuống mương nước thủy lợi. Mặt khác bể chứa đầy và bị tràn, rò rỉ qua diện tích đất cao su của hộ dân lân cận.

Anh A Thao ở thôn Kon HNgo Kơ Tu, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum cho biết, thấy nước thải đen kịt, hôi thối của lò giết mổ tập trung chảy xuống mương nước thủy lợi, các hộ dân đã ý kiến với chính quyền địa phương. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng chưa được khắc phục. Anh A Thao nói: “Đầu năm 2023 là lúa bị hư, bà con làm cỏ cũng không nổi, nó bốc mùi, nhất là vụ Đông Xuân. Vụ này là mùa mưa nên nước mương cũng đỡ, bị ảnh hưởng ít. Vào mùa khô, bà con không thu được bao nào. Cũng kiến nghị nhiều, tiếp xúc cử tri kiến nghị họ cũng trả lời chưa chắc chắn. Bà con mong muốn thứ nhất là xử lý nước thải, thứ hai là hỗ trợ cho bà con kinh doanh, các vụ bị thiệt hại.”

Qua quá trình kiểm tra, xác minh, bà Trần Thị Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm này là do hệ thống xử lý nước thải của lò giết mổ tập trung bị quá tải so với dự kiến ban đầu.. Hệ thống xử lý nước thải ra lô cao su thực tế cũng có ngăn, lắng lọc xử lý nhưng vẫn không đảm bảo được điều kiện đạt chuẩn theo yêu cầu.

Trên địa bàn thành phố, hiện có 61 cơ sở giết mổ. Trong đó, gần 50% số hộ vào làm tại lò giết mổ tập trung. Dù vậy, đã xảy ra tình trạng quá tải, ô nhiễm. Nguồn nước thải chảy xuống mương thủy lợi – nơi cung cấp nước tưới cho khoảng 20  ha hecta lúa của xã Vinh Quang, phường Ngô Mây và một số diện tích cây trồng khác. Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết, có hơn 10 hộ với gần 1ha lúa bị ảnh hưởng nặng do ô nhiễm nước thải lò giết mổ tập trung. Sau khi tiếp thu ý kiến của người dân, xã Vinh Quang đã kịp thời tổng hợp ý kiến của cơ quan chức năng để giải quyết cho các hộ dân ổn định sản xuất và cuộc sống.

Để khắc phục ô nhiễm nước thải của lò giết mổ tập trung thành phố, Bà Trần Thị Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum cho biết: “Trung tâm có báo cáo, đề xuất UBND thành phố đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp để xử lý tình trạng tắc nghẽn, quá tải xử lý nước thải, trong thời gian gần nhất sẽ đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn loại A theo quy định. Trung tâm sẽ vận động các hộ kinh doanh trong lò giết mổ tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường cơ giới xung quanh.”

Trước khi giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nước thải từ lò giết mổ được cơ quan chức năng triển khai, bà con vẫn phải sử dụng nguồn nước mương thủy lợi để tưới tiêu. Nếu kéo dài sẽ gây tác động xấu đến môi trường và hoạt động sản xuất./.

Cát Tiên – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *