(kontumtv.vn) – Từ những ngôi làng nhỏ nằm bên dòng Đăk Bla thơ mộng, trải qua 110 năm hình thành và phát triển, Kon Tum, tức Làng Hồ hôm nay đã có nhiều thay đổi. Dẫu vậy, những nét văn hoá truyền thống độc đáo của các tộc người thiểu số sinh sống trên địa bàn vẫn được lưu giữ, bảo tồn để ngày nay trở thành thế mạnh giúp địa phương từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Dọc theo dòng Đăk Bla, Pô Kô, Sê San chảy qua địa phận tỉnh Kon Tum là những làng người dân tộc thiểu số đã sinh sống qua nhiều thế hệ. Nơi đây, gắn với lao động, sản xuất, bản văn hoá của các tộc người thiểu số phát triển, giúp tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú ở Kon Tum. Trải qua thăng trầm và biến cố lịch sử, những giá trị truyền thống đặc sắc ấy không mai một theo thời gian mà đang tiếp tục được bảo tồn, gìn giữ để trở thành nét đẹp tinh thần không thể thiếu khi nhắc đến Kon Tum. Nói về tính kế thừa văn hoá, nghệ nhân ưu tú A Biu ở làng Plei Klech, xã Ngọk Bay, thành phố Kon Tum không khỏi phấn khởi: “Mấy cụ hay nói là giữ hồn văn hóa thì không những giữ hồn văn hóa là cồng chiêng, múa xoang, từ cách đi đứng, ăn nói với lại cách xử sự cũng phải làm sao giống ông bà ngày xưa của mình. Tôi hay nghe các tiền bối nói một câu là hãy trở về nhà đi, không những trở về bằng chữ, trở về bằng tiếng hát mà trở về bên văn hóa của mình. Văn hóa mình phải giữ.”

Đối với công tác bảo tồn văn hoá, ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các cấp ngành, địa phương đã chủ động ban hành đề án, kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa; tích cực phối hợp và tạo mọi điều kiện để nghệ nhân phát huy năng lực truyền dạy nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ cũng như phát triển du lịch cộng đồng, tạo thu nhập ổn định cho bà con người dân tộc thiểu số từ chính việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số về các giá trị văn hóa của dân tộc mình, làm sao bảo tồn, phát huy tốt giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ phát triển du lịch của tỉnh.

Phát huy lợi thế văn hoá truyền thống, không ít bà con dân tộc thiểu số ở các thôn, làng đã chủ động liên kết với nhau để tạo ra giá trị kinh tế từ hoạt động du lịch. Lúc này, nét văn hoá truyền thống như cồng chiêng – xoang, ẩm thực, hệ thống lễ hội, phong tục, tập quán độc đáo của bà con trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá. Là một trong những hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay  ở Làng Du lịch cộng đồng Kon Pring, huyện Kon Plông, bà Y Lim nhận thức rằng, việc bảo tồn nguyên vẹn những giá trị truyền thống có vai trò quan trọng giúp thu hút nhiều hơn nữa du khách đến với địa phương: “Nhà tôi cũng làm một cái homestay để đón khách du lịch. Cũng có cái nguồn vốn trước đây mình có tiết kiệm về hoạt động du lịch xong rồi mình tranh thủ thời gian làm thêm 03 cái phòng, làm một cái nhà truyền thống của mình luôn để mình duy trì cái truyền thống của mình. Một cái đáng mừng của bản thân tôi là như vậy. Khách h đến là họ sẽ thích cái nhà của mình như vậy.”

Sau 110 năm thành lập, giờ đây, tỉnh Kon Tum đã trở thành mái nhà chung của 43 dân tộc anh em. Năm 2023, kỷ niệm ngày thành lập tỉnh, tỉnh Kon Tum tổ chức nhiều hoạt động văn hoá nổi bật, vừa tạo không khí thi đua sổi nổi mừng Đảng, mừng Xuân, vừa giúp quảng bá, giới thiệu những nét văn hoá truyền thống đặc sắc của địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước. Đồng thời góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *