(kontumtv.vn) – Để nâng cao chất lượng học tập cho học sinh, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Kon Tum triển khai nhiều hình thức tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.

Trường Mầm non Vàng Anh ở xã Kroong, Thành phố Kon Tum có 3 điểm trường, trong đó 1 điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ. Trường có hơn 200 học sinh là dân tộc Banar, chiếm 70% tổng số học sinh toàn trường. Để trẻ yêu trường, yêu lớp, đi học chuyên cần, nhà trường tập trung xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp, tạo sự thân thiện với học sinh. Để nâng cao chất lượng dạy học, khó khăn lớn nhất với các em học sinh người dân tộc thiểu số là giao tiếp tiếng Việt giữa cô và trò, nhất là đối với trẻ 3 tuổi. Bởi thường ngày các em chỉ sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình trong giao tiếp với cha mẹ và gia đình, khi đến lớp, các em hạn chế trong việc tiếp thu bài giảng. Cô giáo Đoàn Thị Kim Oanh – Hiệu trưởng trường Mầm non Vàng Anh cho biết: “Để mà giúp cho trẻ tăng cường Tiếng Việt, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường thường xuyên tạo môi trường lành mạnh vui chơi xanh, sạch, đẹp cho trẻ đến trường phấn khởi. Trong những góc chơi dưới tiếng Việt có phiên dịch tiếng mẹ đẻ. Qua những tiết dạy, đọc truyện, góc chơi, thư viện thân thiện để cho trẻ cùng với phụ huynh những buổi chiều đón trẻ, trả trẻ.”

Những khó khăn đó, hầu hết các trường Mầm non có đông học sinh người DTTS đều gặp phải. Thực hiện chuyên đề tăng cường tiếng Việt cho học sinh người DTTS, các trường thường xuyên dự giờ, tư vấn, giúp đỡ cho giáo viên, trao đổi với phụ huynh học sinh tăng cường sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày, giúp các em hiểu và biết cách sử dụng tiếng Việt. Bên cạnh đó, trong các tiết dạy sử dụng hình ảnh thực tế để tạo niềm vui, gần gũi cho trẻ khi đến lớp.

Để duy trì sĩ số học sinh, các trường học còn xây dựng góc địa phương trong sân trường, lớp học, với nhiều vật dụng gắn liền với văn hóa, đời sống, sinh hoạt của người DTTS. Trên các vật dụng được chú thích tiếng Việt  và tiếng Bahnar. Ngoài giờ ra chơi, trong các tiết học các cô còn giảng dạy nhiều nội dung liên quan, cho các em hiểu hơn về tiếng Việt và văn hóa của dân tộc mình.

Để nâng cao chất lượng toàn diện cho học sinh, nhất là học sinh người DTTS, việc tăng cường Tiếng Việt cho học sinh ngay từ bậc mầm non là việc làm vô cùng quan trọng. Với những cách làm sáng tạo của mỗi địa phương, sự tận tâm của cán bộ quản lý và giáo viên đã góp phần giúp các em có được nền tảng kiến thức và kỹ năng giao tiếp để tiếp tục học tốt hơn ở các cấp học. Theo ông Thái Khắc Hòa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum, qua những hoạt động tăng cường tiếng Việt đã giúp học sinh DTTS tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt. Với sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố,  sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các trường học, việc tăng cường Tiếng Việt cho học sinh người DTTS sẽ là điều kiện quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh trên địa bàn./.

CTV Minh Phượng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *