(kontumtv.vn) – Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục ở vùng DTTS. Qua đó, giúp cho việc đến trường, tiếp cận kiến thức của học sinh người DTTS trên địa bàn tỉnh được thuận lợi hơn.

Để nâng cao chất lượng vùng DTTS, không thể thiếu vai trò của đội ngũ giáo viên. Ở vùng khó khăn, giáo viên chịu thiệt thòi hơn so với giáo viên ở vùng thuận lợi. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn các thầy, cô giáo vẫn miệt mài tìm phương pháp sáng tạo trong giảng dạy. Điển hình có cô giáo Hồ Thị Ly Na, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Lý Thường Kiệt xã Mo Rai, huyện Sa Thầy với sáng kiến kinh nghiệm “Một số biện pháp giúp học sinh DTTS giao tiếp tốt Tiếng Việt”. Qua truyền tải bằng tranh ảnh, hoạt động ngoại khoá, cô giúp học sinh người DTTS hiểu tiếng Việt hơn, tiếp thu bài tốt hơn. Cô giáo Hồ Thị Ly Na cho hay: “Khi mà viết sáng kiến kinh nghiệm tôi không nghĩ dùng để khen thưởng trong các năm học mà bởi tôi nhận thấy trong quá trình giảng dạy học sinh rất là khó khăn và rất cần những phương pháp, giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục cho các em.”

Tỉnh Kon Tum hiện có 361 trường mầm non và phổ thông. Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học vùng DTTS, nhất là các trường PTDTNT, PTDTBT. Trong đó, có Phân hiệu trường PTDTNT tỉnh tại huyện Ia H’Drai. Ngôi trường giờ đây trở thành lựa chọn ưu tiên của học sinh ở vùng biên giới nhờ được đầu tư xây dựng cơ sở mới với phòng học, ký túc xá khang trang và các hạng mục phụ trợ khác cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục đặc thù. Thầy giáo Lê Văn Quí, Phó hiệu trưởng Phân hiệu trường PTDTNT tỉnh tại huyện Ia H’Drai cho biết, trước khi có cơ sở mới như hiện nay đơn vị phải mượn cơ sở của Bộ đội biên phòng gần 3 năm. Năm học 2022-2023, trường có trên 200 học sinh ở 3 khối lớp. Qua các năm, chất lượng đầu vào của học sinh lớp 10 dần cải thiện, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm duy trì đạt 100%. Theo thầy giáo Lê Văn Quí Đề án nâng cao chất lượng học sinh DTTS là cơ sở để nhà trường để tổ chức nhiều biện pháp nâng cao chất lượng học sinh DTTS, đồng thời qua đó thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp các ngành, đặc biệt là phụ huynh học sinh. Đây cũng là cơ sở để hoàn thiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy học, nuôi dưỡng học sinh.

Ngoài sự đầu tư của nhà nước, Trường Mầm non xã Mô Ray, huyện Sa Thầy còn chủ động vận động nguồn xã hội hoá để chỉnh trang lại trường lớp học. Công trình sân bê tông cao ráo, sạch sẽ tại điểm chính của trường là nhờ chính quyền địa phương, người dân, bộ đội biên phòng và nhà trường đóng góp ngày công, kinh phí xây dựng nhằm xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp; các cô giáo tự tay tô điểm thêm vườn hoa, vườn rau. Cô giáo Lê Thị Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bên cạnh những thuận lợi, khó khăn của nhà trường nằm ở việc làm thế nào để duy trì mô hình bán trú dân nuôi, giữ chân học trò trong điều kiện thuộc vùng biên giới, học sinh người DTTS chiếm trên 86%. Cô giáo Lê Thị Phượng chia sẻ: “Ban đầu nhà trường xây dựng lớp bán trú dân nuôi rất vất vả, khó khăn nhà trường cũng đã phối hợp phụ huynh mang cơm cho các cháu. Phụ huynh ở đây hằng ngày cứ mang cơm cho các cháu đầy đủ, chỉ có một số phụ huynh quên, nhà trường cũng đã sử dụng biện pháp là nấu ăn, cho các cháu đầy đủ bữa ăn.”

Thực hiện tốt mô hình bán trú dân nuôi, nhà trường đã tạo được sự hài hoà giữa công tác giáo dục và nuôi dưỡng. Mỗi ngày các em nhỏ đều hào hứng đến lớp trong sự chào đón ấm áp của các cô giáo. Gần 2 năm nay, trường thường xuyên đứng tốp đầu của huyện về duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh. Em Lương Diệp Anh, học sinh Trường Mầm non xã Mô Ray, huyện Sa Thầy bày tỏ: “Con thích đi học, ăn cơm vui, cơm ngon. Cô dạy nhiều, chơi đồ chơi.”

Nhờ có chính sách đúng đắn của địa phương, sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 05, ngày 23/8/2016 của Tỉnh ủy Kon Tum khóa XV về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ trẻ người DTTS 5 tuổi trên địa bàn tỉnh đi học mẫu giáo đạt gần 100%; tỷ lệ trẻ người DTTS trong độ tuổi tiểu học vào học tiểu học đạt trên 99,8%; tỷ lệ học sinh người DTTS tốt nghiệp chương trình giáo dục THPT tăng từ gần 90% lên hơn 94%. Đây sẽ là động lực để ngành GD&ĐT tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh người DTTS trong thời gian đến./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *