(kontumtv.vn) – Công việc áp lực, chế độ đãi ngộ thấp là những lý do khiến thời gian qua, nhiều nhân viên tại các đơn vị quản lý bảo vệ rừng quyết định nghỉ việc hoặc chuyển sang làm công việc khác. Thiếu nguồn nhân lực đang là nỗi lo của nhiều đơn vị quản lý bảo vệ rừng.

Trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 2 là một trong những trạm thuận lợi thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham, huyện Kon PLông. Tuy vậy, dù chỉ cách trung tâm xã Hiếu khoảng 7 – 8 km, nằm ngay trục đường chính nhưng cũng không có điện, sóng điện thoại lúc có lúc không. Nguồn điện từ máy phát cũng chỉ đủ để thắp sáng, bơm nước… Anh Hoàng Văn Khánh – Cán bộ Trạm bảo vệ rừng số 2, Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham chia sẻ: “Mình đi làm xa, không có thời gian ở nhà, công việc ở nhà cũng không phụ giúp được bao nhiêu, chỉ có thời gian đi về nghỉ thì phụ giúp được gia đình thôi, còn thời gian còn lại làm công việc trên này là chính. Thường anh em ở đây mạng không có, chỉ liên lạc qua điện thoại, anh em sử dụng điện thoại “cục gạch” là chính thôi.”

Cả trạm hiện có 4 nhân viên. Người công tác lâu nhất 18 năm, thu nhập cả lương lẫn các chế độ khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng. Còn với người mới ra trường, mức lương và chế độ công tác phí cộng lại cũng chỉ khoảng hơn 4 triệu đồng mỗi tháng. Điều kiện làm việc khó khăn, thiếu thốn, thu nhập thấp, anh em ở trạm rủ nhau tăng gia để tiết kiệm chi phí, nhưng tiền tích góp gửi về cho gia đình cũng chẳng được bao nhiêu. Công việc vất vả, thu nhập thấp nên năm ngoái, 1 người bỏ nghề, đi làm công việc khác, chỉ còn 4 người gồng gánh nhiệm vụ quản lý khoảng 5.000 hecta rừng. Ông Phan Quốc Vũ – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham cho biết: “Thứ nhất chế độ tiền lương theo quy định chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống cán bộ bảo vệ rừng. Tại vì cái này khác so với nhiệm vụ ngành khác. Họ làm giờ hành chính, còn anh em ở đây làm cả thứ 7, chủ nhật, lễ, tết. Thời gian chăm sóc gia đình ít, một số chuyển công việc khác đảm bảo thu nhập, có điều kiện chăm sóc gia đình. Thứ hai khó nữa là nguồn nhân lực tuyển dụng mới bổ sung khan hiếm, phải nói từ khan hiếm vì ở các trường đào tạo chuyên ngành lâm nghiệp hầu như ít sinh viên học, nếu có họ tìm môi trường tốt hơn để công tác.”

Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham hiện quản lý gần 30.000 hecta rừng. Lâm phần quản lý kéo dài trên 5 xã của huyện Kon Plông và giáp ranh với 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hiện tại, đơn vị chỉ có 30 cán bộ, nhân viên, 19 lao động hợp đồng, thiếu 7 biên chế theo chỉ tiêu được giao. Nguồn nhân lực thiếu, biến động liên tục, để đảm bảo cho việc giữ rừng, đơn vị tìm cách bổ sung nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Ông Phan Quốc Vũ – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham cho hay: “Khó là ở Kon Plông cơ bản được hưởng chế độ theo nghị định 76, trước đây là 116, những hợp đồng này họ không đủ điều kiện hưởng chính sách này, có bất cập 2 lực lượng 2 chính sách khác nhau nên mong muốn có chủ trương, cơ chế cho lực lượng này hưởng chính sách hỗ trợ tương đương như viên chức thì thu hút hơn.”

Chế độ ưu đãi thấp, áp lực cao, có nhiều nhân viên dù chỉ mới đi làm hay công tác lâu năm đã không đủ kiên nhẫn để bám trụ với nghề. Các đơn vị quản lý bảo vệ rừng vốn đã áp lực với việc giữ rừng nay lại thêm cả nỗi lo thiếu nhân lực./.

Chung Loan – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *