(kontumtv.vn) – Tín ngưỡng dân gian thờ cúng ông Công, ông Táo vẫn được gìn giữ trong nhiều gia đình Việt Nam. Trong đó, tục cúng đưa, cúng rước ông Công, ông Táo là nét văn hóa đẹp của tín ngưỡng này.

Hiện nay, tín ngưỡng thờ cúng ông Táo trong các gia đình và thực hiện nghi lễ cúng đưa, cúng rước Táo quân vào dịp cuối năm vẫn được nhiều người dân ở tỉnh Kon Tum gìn giữ. Điều này thể hiện rõ nét qua việc nhiều người đến mua cá chép sống và mua đồ vàng mã cúng ông Táo ở khu vực Trung tâm thương mại và chợ 16/3 của thành phố Kon Tum. Có mặt tại chợ 16/3 và trên tay cầm 3 túi ni lông chứa 3 con cá chép sống, ông Lê Hùng Tuyến (50 đường Dương Đình Nghệ, thành phố Kon Tum) cho biết: “Tôi cũng như người dân các tỉnh đều mua cá về để cúng đưa ông Táo về trời. con cá này mình mua về để trong chậu nước, sau đó mình đưa lên bàn thờ để mình cúng, sau đó đưa ra phóng sinh như truyền thuyết ông cha ta để lại”.

Tất bật bán đồ cúng vàng mã, chị Đoàn Thị Thu Hằng, tiểu thương kinh doanh đồ thờ cúng tại chợ 16/3 đường Ngô Quyền, thành phố Kon Tum cho biết, không phải ai cũng biết nghi lễ cúng ông Công, ông Táo, vì vậy chị vừa bán vàng mã, vừa hướng dẫn. Riêng lời khấn trong nghi lễ cúng đưa, chị in và phô tô nhiều bản để đưa cho khánh hàng. Chị nói: “Trong tuần đây thì ngày 22, 23 chúng tôi mua bán rất sầm uất hơn các ngày trước, hôm nay đang chuẩn bị cho ông Công, ông Táo về trời, trong đó có vài người mua cúng rước ông bà. Về văn khấn thì chúng tôi chuẩn bị đầy đủ, có gì chúng tôi chỉ thêm cho khách hàng của mình”.

Anh Trịnh Hồng Đào (đường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum) cho biết, mỗi năm vào ngày 22 tháng chạp âm lịch, gia đình anh thành tâm sửa soạn bàn thờ ông Công, ông Táo ở khu vực bếp của gia đình. Các lễ vật cúng đưa là hoa tươi, 5 loại trái cây, xôi chè, bánh mứt và bộ đồ vàng mã để giúp ông Công, ông Táo có đủ quần áo mới, tiền bạc, có cá chép để cưỡi về trời. Nghi lễ cúng đưa ông Táo sẽ được anh chị thực hiện vào thời điểm nửa đêm ngày 22 và rạng sáng ngày 23. Anh Trịnh Hồng Đào nói: “Theo ông bà làm sao nay mình làm vậy, ngày 23 cúng đưa ông Táo về trời, 30 mình rước ông Táo về với gia đình mình. Mình cầu mong cho ông Táo phù hộ gia đình mình được hạnh phúc, mạnh khỏe, bình yên, làm ăn phát đạt. Tôi cúng được ba mươi mấy năm theo ông bà để lại, mình giữ không để mất đi truyền thống”.

Thượng tọa Thích Vạn Nhơn, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt nam tỉnh Kon Tum, Trụ trì chùa Huệ Hương, thành phố Kon Tum cho biết truyền  thuyết về ông Công ông Táo là câu chuyện giữa hai ông với một bà. Sống trong cảnh giàu sang nhưng không có con nên người chồng trước phụ bạc đuổi vợ ra khỏi nhà. Người vợ được người chồng sau cưu mang và sống hạnh phúc. Người chồng trước sau đó ân hận và bị phá sản, đi ăn xin đúng nhà của vợ cũ. Lúc này người chồng sau không có nhà. Người vợ thương tình cho chồng trước ăn cơm. Sợ chồng sau thấy sẽ hiểu lầm nên người vợ bảo chồng trước núp vào đống rơm. Chẳng may, người chồng sau về nhà dọn đẹp đốt đống rơm. Vì cứu chồng cũ người vợ đã nhảy vào đống rơm và chết. Người chồng sau cứu vợ cũng chết trong lửa rơm. Ngọc Hoàng cảm động nên phong 3 người làm Định Phúc Táo Quân, giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Thượng tọa Thích Vạn Nhơn cho biết: “Theo quan niệm của người dân Việt 1 năm bắt đầu từ mùng một Tết là Tết Nguyên đán và kết thúc vào ngày 23 tháng 12 âm lịch. Ông Công, Ông Táo là người sẽ lên tâu với Ngọc Hoàng mọi việc của mọi người dân. Ông Công, ông Táo giữ gìn đầm ấm của mọi gia đình. Tục cúng ông Công ông Táo được duy trì xuyên suốt mấy nghìn năm qua,  mong muốn gia đạo của mình trong năm qua được vững bền, ấm áp, no đủ đó là tâm nguyện của mọi người dân Việt Nam chúng ta”.

Hiện nay, bếp lửa kiềng ba chân đã không được nhiều gia đình sử dụng, thay vào đó là bếp gas, bếp từ và bếp điện. Tuy nhiên, tín ngưỡng dân gian thờ cúng ông Công, ông Táo vẫn được gìn giữ trong nhiều gia đình Việt Nam. Đây là tín ngưỡng dân gian truyền thống và cũng là nét văn hóa đẹp đáng tự hào của người Việt Nam.

Văn Hiển – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *