(kontumtv.vn) –  Khoảng nửa thế kỷ XIX, người dân ở vùng đồng bằng bắt đầu lên định cư ở tỉnh Kon Tum. Tại xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum hôm nay, có thôn Phương Quý là một trong những khu dân cư được hình thành từ những cuộc di cư như vậy. Trải qua thời gian, người dân thôn Phương Qúy đã gắn bó, xây dựng cuộc sống trên mảnh đất này, đồng thời, gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của quê hương.

Vào năm 1892, một số người dân vùng đồng bằng đã lên xã Vinh Quang ngày nay hình thành nên thôn Phương Qúy. Về sau người dân từ các tỉnh Bình Định, Quảng Nam và nhiều nơi khác cũng đến đây lập nghiệp sinh sống, chủ yếu phát triển ven lưu vực sông Đăk Bla. Ông Trịnh Văn Thông là một trong những người còn nhớ nhiều câu chuyện về những ngày đầu lập thôn. Năm 1960 để tránh bom đạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông cùng gia đình từ huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định lên Kon Tum, khi đó đã có thôn Phương Qúy. Nhờ đất đai phì nhiêu, dễ canh tác, gia đình ông quyết định ở thôn Phương Qúy cho đến hôm nay. Ông Trịnh Văn Thông nhớ lại: “Thôn này hồi xưa là nó không có rộng như thế này đâu, nó co cụm một số bà con theo dọc sông Đăk Bla. Hồi tôi lên đây khu đó là nhà sàn hết, người Kinh nhưng vẫn nhà sàn, xung quanh ở đây rừng núi, cây bụi chứ không trống trải như thế này đâu. Sau năm 1975 là mới bắt đầu giãn dân ra, bắt đầu cái làng đây nó rộng.”

Dù trải qua nhiều thay đổi về hành chính nhưng cái tên Phương Qúy vẫn được giữ nguyên vẹn. Ông Trần Văn Lầu – thôn trưởng thôn Phương Qúy 1 cho biết người dân trong thôn còn giữ đậm bản sắc vùng đồng bằng lên Kon Tum lập nghiệp, từ giọng nói đến cách sinh hoạt, làm kinh tế. Hiện nay, trong thôn Phương Qúy có rất ít ngôi nhà cổ 3 gian. Hộ nào còn thì đang cố gắng giữ lại. Hộ xây nhà mới thì thiết kế theo kiến trúc 3 gian như một cách giữ lại nét xưa của ông, bà mình đã lên đây lập nghiệp.

Lâu nay, người dân thôn Phương Qúy duy trì, phát triển nghề trồng mai, tráng bánh tráng truyền thống. Đặc biệt là xây dựng được thương hiệu riêng. Hiện nay, còn khoảng 20 hộ làm nghề tráng bánh tráng. Trong đó, có hộ bà Huỳnh Thị Cảnh. Gắn bó với nghề tráng bánh 40 năm qua, gia đình bà mạnh dạn cải tiến sản phẩm, cho ra đời nhiều loại bánh tráng mới. Dự kiến, đầu năm 2023 sẽ tham gia đánh giá sản phẩm Ocop cấp thành phố. Nỗ lực nâng tầm sản phẩm bánh tráng gia truyền là vậy nhưng bà rất lo vì không có người giữ lửa nghề về sau. Bà Cảnh chia sẻ: “Ở Phương Qúy chủ yếu người ta tráng bánh nướng, bánh nhúng, nhưng nhà tôi đây chỉ làm cái bánh nướng thôi, cái loại là một loại mè trắng, mè đen, loại là có gia vị hành tiêu, dừa. Về sau chắc là không có người nối nữa rồi do nhà con trai hết, dâu thì làm nhà nước, việc này việc kia, cũng tiếc chứ.”

Đến nay, đời sống của người dân thôn Phương Quý ngày một đi lên. Bà con luôn đoàn kết với người DTTS tại chỗ, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội và ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn xã. Là người dân tộc Banar ở thôn Kon Rơ Bàng 1, xã Vinh Quang, chị Y Blek cho biết không chỉ sống gắn bó, chan hòa với nhau, người dân thôn Phương Qúy còn giúp đỡ, hướng dẫn cho bà con DTTS trong lao động sản xuất. Đến nay, thôn chỉ còn 1% hộ nghèo, không có hộ cận nghèo. Thôn nhiều năm liền giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”.

Bà Trịnh Thị Bích Hoài – Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum cho biết: “Đối với công tác mặt trận của khu dân cư này, bác trưởng ban công tác mặt trận làm công tác tuyên truyền, thực hiện các cuộc vận động như là cuộc vận động toàn dân đoàn kết, đô thị văn minh, gần đây nhất là cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của người ĐBDTTS. Nói chung, việc thực hiện các cuộc vận động này rất là bài bản, rất là xuyên suốt.”

Thôn Phương Qúy giờ đã thay đổi nhiều. Người dân đoàn kết, nỗ lực chung sức đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn đưa xã Vinh Quang về đích nông thôn mới, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Cát Tiên – Văn Hiển

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *