(konumtv.vn) – Cùng với cả nước, thời gian gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là khi thời tiết nóng ẩm, nắng mưa đan xen thất thường như hiện nay. Sở Y tế nhận định, dù chưa có trường hợp tử vong, nhưng bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng trong giai đoạn cao điểm mùa mưa; dễ làm tăng nguy cơ phát sinh các ổ dịch, tăng số ca mắc và nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn.

Trong tháng 8 và tháng 9/2023, Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh  Kon Tum tiếp nhận hơn 200 ca mắc SXH đến khám. Thậm chí, có nhiều trường hợp bệnh nhân phải nhập viện điều trị do bị SXH có dấu hiệu cảnh báo. Điển hình như con gái Chị Trần Thị Tâm ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà. Chị cho biết, con có dấu hiệu bắt đầu xuất hiện tình trạng sốt nhẹ, đau đầu từ 4 ngày trước. Chị đưa con đi khám tại cơ sở tư nhân gần nhà. Sau vài ngày uống thuốc, tình trạng vẫn không giảm, mệt mỏi kéo dài. Lúc này chị mới đưa con đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và được các bác sĩ chỉ định phải nhập viện. Chị Tâm nói: “Ở nhà thì bé SXH cũng hơi nhẹ nhẹ. Nhưng sau ngày thứ 4 thì nó nặng hơn, thì đưa bé xuống bệnh viện. Về đây thì bác sĩ chuẩn đoán là SXH của bé là bé bị nặng, máu hơi đông, với lại dịch tràn bụng. Xong họ thăm, khám nhiệt tình; truyền dịch cho bé. Giờ hiện tại bé đã đỡ hơn rồi.”

Từ đầu năm đến nay, tại Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận khám và điều trị hơn 400 ca mắc SXH, giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong tháng 9, số lượng ca mắc SXH đến khám tại khoa tăng khá cao, với hơn 100 ca, tăng so với cùng kỳ năm 2022. BS CKI Lê Thị Chi, Phó Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết, nguyên nhân số ca mắc SXH tăng cao trong thời gian gần đây do sự biến động của thời tiết, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lây truyền của bệnh SXH. Mặt khác, nhiều người dân vẫn còn khá chủ quan trong việc chủ động phòng, chống SXH; không cảnh giác ngay từ đầu các dấu hiệu của bệnh dẫn đến tình trạng SXH ngày càng nặng và phải nhập viện điều trị vì mắc SXH có dấu hiệu cảnh báo. BS CKI Lê Thị Chi cho biết: “Đa phần là điều trị triệu chứng; bù dịch, hạ nhiệt, vitamin, nghỉ ngơi. Nhưng mà những ca nặng như bệnh nhân có cô đặc máu thì mình bù dịch SXH theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Giảm tiểu cầu thì mình truyền tiểu cầu gạn tách cho bệnh nhân khi mà có đúng chỉ định. Còn những ca mà nặng hơn thì có thể đi vào sốc, thì những bệnh nhân đó ở Khoa Y học Nhiệt đới thường chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực  – chống độc để mà tham gia điều trị tích cực cho bệnh nhân.”

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đánh giá, số ca mắc SXH trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh gia tăng. Trong đó có cả số ca bệnh là người dân từ các tỉnh khác đến khám và điều trị. Nếu chỉ tính số ca mắc SXH là người dân của tỉnh thì vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết mưa nắng đan xen như hiện nay tình hình xuất hiện các ổ dịch SXH dự báo có thể tăng cao. BSCKII Phùng Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, để chủ động khống chế các ổ dịch cũng như  số ca mắc, đặc biệt không để bệnh nhân tử vong, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn; tăng cường giám sát ca bệnh, giám sát các chỉ số dự báo dịch liên quan đến muỗi và bọ gậy để kịp thời xử lý các ổ dịch. Đồng thời đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban ngành, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện và duy trì chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng chống dịch bệnh SXH.

Để đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế đề nghị người dân nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; mỗi hộ gia đình tự diệt lăng quăng tại nhà mỗi tuần một lần. Đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế dự phòng phải đảm bảo đủ các nhu cầu cần thiết để chủ động khống chế các ổ dịch, giảm số ca mắc. Bên cạnh đó, đề nghị UBND các cấp đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chiến dịch diệt lăng quăng tại từng hộ gia đình cũng như trong từng thôn, từng xã và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng chống bệnh truyền nhiễm theo quy định./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *