(kontumtv.vn) – Từ ngày 23/8 – 3/9, trên địa bàn huyện Kon Plông đã xảy ra liên tiếp 30 trận động đất với độ rung chấn từ 2,5 – 4,7 độ richter. Đặc biệt, trận động đất ngày 23/8 vừa qua với cường độ lên đến 4,7 độ richter, cao nhất từ trước tới nay đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân. Qua kiểm tra, rà soát, các trận động đất chưa gây thiệt hại về người và tài sản.

Để tránh tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các xã, thị trấn nhanh chóng xuống cơ sở nắm tình hình, tuyên truyền và cung cấp thông tin về động đất, biện pháp cần thiết để người dân biết, chủ động ứng phó, yên tâm sản xuất, sinh sống. Xã Đăk Tăng là địa bàn nằm trong khu vực tâm chấn động đất ở huyện Kon Plông. Do đó, chính quyền địa phương đã nhanh chóng xuống từng thôn, làng để vận động, hướng dẫn người dân một số kỹ năng ứng phó cơ bản nếu có động đất xảy ra. “Cấp ủy, chính quyền cũng đã tổ chức họp, đồng thời phân công các đồng chí đảng ủy viên và công chức chuyên môn phụ trách ở trên địa bàn các thôn nhanh chóng di chuyển về thôn làng để phổ biến tuyên truyền, trấn an người dân, tránh người dân hoang mang, dao động trước các đợt như vậy. Đồng thời xã cũng đã in ấn các bộ hồ sơ, các văn bản, công văn, hướng dẫn về các thôn để bà con phổ biến cho người dân trong các cuộc họp thôn để bà con biết, có cách phòng, chống”, ông Nguyễn Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông cho biết.

Trước dự báo mức độ động đất có thể lên đến 5,5 độ richter, huyện Kon Plông đã chỉ đạo UBND các xã điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các phương án phòng, chống thiên tai động đất phù hợp với địa bàn, sát với điều kiện của người dân theo phương châm “4 tại chỗ” để có thể ứng phó kịp thời nếu có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT – TKCN&PTDS) tỉnh đề nghị Viện Vật lý Địa nhanh chóng cung cấp tài liệu hướng dẫn các kỹ năng ứng phó động đất một cách cụ thể, chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tế và dành riêng cho địa phương, để người dân có thể dễ dàng nắm bắt và yên tâm sản xuất, sinh hoạt. Ông Trần Văn Lực, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT – TKCN&PTDS tỉnh cho biết, Ban Chỉ huy đã chủ động cung cấp sổ tay phổ biến kiến thức chung về động đất của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai cho huyện Kon Plông và tổ chức đi kiểm tra thực tế, đánh giá thiệt hại, lồng ghép với tuyên truyền kỹ năng ứng phó động đất cho bà con vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời tiếp tục cùng với Viện Vật lý địa cầu xây dựng kế hoạch tập huấn trực tiếp ngay tại địa bàn huyện. Ông Lực nói: “Chúng tôi sẽ bố trí hai đợt tập huấn tại Kon Plông, một đợt là tập huấn về kỹ năng, về lý thuyết kỹ năng. Thì Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai quốc gia sẽ là chủ trì, phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu cùng với văn phòng UBND tỉnh và văn phòng UBND huyện thì phối hợp để mà tổ chức lớp tập huấn cho các đối tượng là nhân dân sống trong khu vực, nhất là các đội xung kích cấp xã để mà nắm được thông tin. Và một đợt tập huấn tập binh, gần như là tổ chức diễn tập ứng phó với lại tình hình có khả năng xảy ra, giúp cho nhân dân trên địa bàn chủ động có những kỹ năng phù hợp để mà phòng ngừa khi có động đất xảy ra”.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông đã xuất hiện hơn 160 trận động đất và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Các trận động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Kon Plông được các chuyên gia của Viện Vật lý Địa cầu lý giải là động đất kích thích. Điều này xảy ra khi hồ chứa thủy điện tích nước, gây áp lực với hệ thống đứt gãy bên dưới, khiến động đất hoạt động sớm hơn so với hoạt động tự nhiên./.

Hơ Jan – Thanh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *