Ngôi nhà thờ tổ dòng họ Vũ tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh được xây dựng cách đây ngót 300 năm kể từ ngày họ Vũ tới đây định cư vào nửa cuối thế kỷ XVII. Bao đời con cháu nối tiếp thờ tự tổ tiên, ngôi nhà thờ họ giờ trở thành nơi mà con cháu cả dòng họ Vũ trở về sau một năm lao động vất vả vào dịp đầu Xuân năm mới để báo cáo lên tổ tiên những gì mình đã làm được và cầu mong sự phù hộ của tiền nhân cho một năm mới làm ăn khấm khá hơn.
Tục thờ cúng tổ tiên thể hiện giá trị nhân văn, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Ảnh: báo Bắc Ninh
Ông Vũ Văn Tích, Trưởng tộc dòng họ Vũ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Nói chung, con cháu dù có đi đâu, về đâu thì cứ đầu Xuân năm mới lại tụ tập về đây. Mọi việc khen thưởng, khuyến khích học hành đều được tiến hành tại đây. Vì thế mà nhà thờ họ thực sự đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống dòng họ Vũ chúng tôi”.
Ngày xưa dân gian thường nói “Làng nước”, có nghĩa là có Làng rồi mới có Nước, sức mạnh từ những ngôi làng ở khắp các miền quê tạo ra sức mạnh của cả một dân tộc, mà trong những ngôi làng ấy thì các dòng họ đóng vai trò quan trọng. Sự cố kết của các dòng họ tạo ra sự cố kết cộng đồng trong làng, trong nước nói chung. Và việc xây dựng, duy trì những nhà thờ họ như thế chính là yếu tố tiên quyết để những người trong cùng một họ tộc đoàn kết cùng nhớ về nguồn cội chung.
Ở đâu đó người ta đang nói đến những mặt tiêu cực của sự cố kết dòng họ như tình trạng ganh đua xây dựng nhà thờ họ quá lãng phí, hay câu chuyện “một người làm quan cả họ được nhờ”… Nhưng tất cả những điều chưa đẹp đó rõ ràng sẽ biến mất theo thời gian, cái còn lại chính là những giá trị đáng quý và đáng trân trọng nhất của truyền thống thờ cúng họ tộc của người Việt, đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn, đó là sự cố kết cộng đồng để tạo ra sức mạnh chung, rồi từ đó mỗi dòng họ lại cùng nhớ về một nguồn cội chung của cả dân tộc trong ngày giỗ Tổ, trở thành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Việt Hùng/VTV Online