(kontumtv.vn) – Từ ngày 11/10 đến ngày 17/10, tỉnh Kon Tum có mưa, mưa vừa và rải rác có giông, có nơi mưa to đến rất to. Mưa kéo dài trong nhiều ngày đã gây sạt lở nhiều tuyến giao thông, gây thiệt hại nhiều công trình ở khu vực nông thôn.
Qua kiểm tra, rà soát, từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 10, do ảnh hưởng của mưa lũ, quốc lộ 24 và tỉnh lộ 676, 677 bị sạt lở ở nhiều nơi; nhiều công trình giao thông nội thôn, đường đi khu sản xuất ở các huyện Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Đăk Hà bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Ngoài ra, mưa lũ làm sạt lở, sập 4 nhà ở của người dân; gây hư hỏng một số công trình thủy lợi, cầu tràn, cầu treo, trụ điện và vùi lấp gần 2.800 mét vuông đất canh tác.
Tại huyện Đăk Hà, mưa lớn cuốn trôi hàng chục mét bờ kè, hành lang an toàn tại các công trình hồ chứa thủy lợi; gây sạt lở các tuyến đường bê tông xi măng, đường dân sinh và một số tuyến đường liên xã, liên thôn; tiềm ẩn nguy cơ chia cắt giao thông tại các khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại sản xuất và vận chuyển nông sản của Nhân dân. Ngoài ra, mực nước các sông, suối dâng cao gây bồi lấp, thiệt hại hàng chục hecta cây trồng, hoa màu của Nhân dân. Trong đó, có nhiều diện tích lúa nước chuẩn bị thu hoạch. Huyện Đăk Hà chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương huy động nguồn lực tại chỗ tiến hành gia cố, khắc phục tạm thời đối với các công trình hạ tầng trọng yếu, đảm bảo nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân; chủ động kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư các công trình thủy lợi, thủy điện đứng chân trên địa bàn thông báo và thực hiện nghiêm túc quy trình xã lũ tại các hồ, đập chứa; cắm biển báo nguy hiểm trên các tuyến đường dễ xảy ra sạt lở… để người dân biết, chủ động phòng tránh. Đồng thời kiểm tra, rà soát các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao bị ảnh hưởng để sẵn sàng phương án di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Bên cạnh đó, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong đi lại, sản xuất và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, hoa màu.
Trên địa bàn huyện Sa Thầy xuất hiện một vài điểm sạt lở. Để đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình lưu thông, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, làm cầu tạm. Qua kiểm tra thực tế, lãnh đạo UBND huyện yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, sự cố sạt lở; chủ động kiểm tra, đôn đốc các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả.
Thanh Tùng – Trọng Nghĩa – Diệp Hoàng