(kontumtv.vn) – Thời gian qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh quan tâm thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ. Qua đây, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch. Đặc biệt, hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS tại chỗ, bảo tồn nghề truyền thống là một nội dung quan trọng, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa địa phương. Nói đến nghề truyền thống, thế mạnh không thể thiếu là dệt thổ cẩm. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm nhằm truyền dạy kỹ năng nghề dệt thủ công truyền thống, trang phục truyền thống, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Nghề dệt thổ cẩm thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đồng đến trên 2 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Kon KLor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum được thành lập từ năm 2004 và duy trì hoạt động thường xuyên đến nay. Có được điều này là nhờ sự quan tâm của các cấp ngành trong việc xây dựng cơ sở dệt, trưng bày, tìm đầu ra cho sản phẩm. Các thành viên đều coi dệt thổ cẩm như một nghề chính và ra sức truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Gắn bó với tổ hợp tác ngay từ những ngày đầu thành lập, bà Y Thoai chia sẻ: “Theo tôi thấy, từ hồi mở Tổ hợp tác này chị em vui, khi có người ta đặt hàng thì chia sẻ cho chị em, vận động chị em tập trung dệt nhiều hơn, khi không có người đặt hàng thì tự làm tự dệt, tự làm tự bán.”

Ngoài nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa cồng chiêng của các DTTS tại chỗ được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, huyện Ngọc Hồi là địa phương có nhiều điểm sáng. Huyện có 3 dân tộc tại chỗ là Xê Đăng, Giẻ – Triêng, B’Râu với nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Năm 2021, thôn Đăk Blái, xã Đăk Ang được huyện Ngọc Hồi hỗ trợ xây dựng nhà rông mới và cấp một bộ cồng chiêng. Tổng kinh phí của 2 hạng mục khoảng 150 triệu đồng. Từ khi được quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa, các hoạt động văn hóa dưới mái nhà rông của thôn diễn ra thường xuyên hơn. Ông A Wơh, Già làng thôn Đăk Blái cho biết đội cồng chiêng, xoang của thôn chọn nhà rông làm nơi tập luyện. Mỗi buổi tập, các thành viên trong đội cồng chiêng, múa xoang của thôn rất phấn khởi. Bà con chọn cho mình những bộ đồ thổ cẩm đẹp nhất và nỗ lực tập luyện nhuần nhuyễn những động tác múa xoang.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, ngành văn hóa huyện Ngọc Hồi thực hiện công tác phục hồi văn hóa truyền thống theo đúng nguyên bản. Trong đó, huy động sức mạnh của toàn xã hội, sự phối hợp của các cấp ngành; gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá. Giai đoạn 2021-2023, huyện hỗ trợ trang bị 19 bộ cồng chiêng cho các thôn, làng người DTTS tại chỗ, với tổng kinh phí hơn 850 triệu đồng. Qua đó, nâng tổng số cồng chiêng của huyện lên 59 bộ. Hiện trên địa bàn huyện có 31 nhà rông, bao gồm nhà rông làm bằng vật liệu truyền thống và nhà rông bằng vật liệu truyền thống và hiện đại. Anh A Thun, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi cho biết: “Đến nay, nhà rông văn hóa ở các thôn tương đối đảm bảo và được Đảng, nhà nước hỗ trợ một phần, kinh phí của người dân đóng góp một phần, bộ cồng chiêng thì có 3 thôn được huyện hỗ trợ, có 3 thôn có sẵn tại thôn. Với những thuận lợi như thế UBND xã cũng thường xuyên mở lớp dạy cồng chiêng tại các thôn, cũng như mở lớp dạy nghề, thông qua đó, hằng năm xã cũng tổ chức các hội thi văn hóa.”

Đến giữa nhiệm kỳ 2020-2025, trên địa bàn tỉnh có 94% khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa; gần 59% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; có 409 làng có nhà rông, với 434 nhà rông, bao gồm cả nhà rông làm bằng vật liệu truyền thống và nhà rông bằng vật liệu truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tại chỗ, ngành văn hóa và các địa phương gặp không ít khó khăn như thiếu nguồn kinh phí đầu tư; một số di sản văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số đang bị mai một, trong khi các nghệ nhân am hiểu về văn hóa truyền thống ngày càng ít, thế hệ trẻ ít mặn mà với hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian; nguyên vật liệu có nguồn gốc tự nhiên ngày càng khan hiếm… Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Kon Tum cho biết định hướng của ngành trong thời gian đến: “Ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phát huy văn hóa truyền thống để làm sao đạt được các chỉ tiêu đến năm 2025. Bên cạnh đó, ngành cũng tổ chức các hoạt động liên hoan văn hóa dân gian các DTTS để mà tạo cho người dân, đồng bào DTTS đang nắm giữ các di sản văn hóa có điều kiện giao lưu, thăm hỏi, thực hiện công tác bảo tồn.”

Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 60% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, 90% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; đảm bảo 100% thôn người DTTS có cồng chiêng, nhà rông. Những kết quả đạt được sẽ là động lực để ngành văn hóa, thể thao và du lịch hoàn thành các chỉ tiêu bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS đã đề ra./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *