(kontumtv.vn) – Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT) đã phối hợp với UBND tỉnh, UBND huyện Kon Plông và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, thực hành nâng cao lực cho cán bộ làm công tác PCTT cấp huyện, cấp xã và hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai cho người dân trên địa bàn huyện Kon Plông.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đã tổ chức thực hành di dời khu dân cư có nguy cơ cao sạt lở đất đến nơi an toàn. Địa điểm là tại thôn Kon Pring, thị trấn Măng Đen với tình huống giả định mưa liên tục, kéo dài và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Theo đó, lực lượng xung kích PCTT cơ sở đã nhanh chóng thông báo tới bà con nhân dân nhanh chóng di dời. Đồng thời hỗ trợ bà con mang những vật dụng cần thiết, tài sản có giá trị về tại khu vực nhà rông của thôn. Cùng với đó là các tình huống giả định phát sinh trong quá trình di dời người dân đến nơi an toàn. Tham gia tập huấn, thực hành lần này, bà Y Lim, người dân thôn Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông chia sẻ: “Qua lớp tập huấn này thì cũng là giúp cho bà con hiểu biết, để cho bà con phòng. Khi mà có thông báo là động đất hoặc là sạt lở đất, nước lớn gì đó thì bà con phải nhanh chóng dọn dẹp những cái gì là tài sản mình cần, cầm đi về chỗ nơi an toàn. Tất cả bà con là cũng phải biết là phải bảo vệ bản thân, tính mạng của mình.

Đối với loại hình thiên tai động đất trên địa bàn huyện Kon Plông, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT lựa chọn tổ chức thực hành ứng phó động đất tại Trường Tiểu học Măng Đen, thị trấn Măng Đen. Theo tình huống giả định, khi có động đất, dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo, các em học sinh ngay lập tức nấp vào gầm bàn và ôm đầu, các bạn phía cửa sổ di chuyển vào phía trong tránh cửa kính rơi vỡ và tuyệt đối không di chuyển khỏi vị trí khi đang xảy ra rung chấn. Sau khi nghe thông báo đã hết động đất, thầy cô giáo hướng dẫn các em học sinh tuần tự di chuyển ra khỏi lớp học tới vị trí tập trung ngoài sân trường để đề phòng có rung chấn tiếp theo và nhanh chóng xử lý khắc phục thiệt hại do động đất gây ra. Đặc biệt là ổn định tinh thần cho học sinh và xử lý tình huống các em học sinh bị thương do động đất gây ra.

Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng phòng ĐT&GD huyện Kon Plông cho biết thêm: “Phòng GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt công tác truyền thông đối với các nhà trường. Đặc biệt là các tờ rơi, pa nô, áp phích để triển khai đến cho các em hiểu được nguyên nhân và các cách ứng phó với động đất. Đối tượng mà dễ bị tổn thương nhất, đó là học sinh ở độ tuổi mầm non và tiểu học cho nên là thầy cô giáo phải chỉ bảo cho các em thật là cụ thể, để khi mà xảy ra động đất trên địa bàn thì các em có cái cách ứng phó cho phù hợp.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông đã xảy ra hơn 200 trận động đất. Trận động đất mạnh nhất là vào tháng 8/2022 có độ lớn 4,7 độ richter. Theo đánh giá ban đầu của Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Tài nguyên Môi trường, nguyên nhân động đất trên địa bàn huyện Kon Plông gia tăng về tần suất và cường độ là do các hồ thủy điện tích nước. Đây là động đất kích thích theo quy luật và đến một thời điểm nào đó sẽ dần ổn định trở lại. Trước tình hình đó, BCĐ quốc gia về PCTT đã chỉ đạo Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức các cuộc hội thảo ở các cấp; cung cấp tài liệu tuyên truyền, kiến thức cơ bản về động đất và hướng dẫn kỹ năng ứng phó. Đồng thời tổ chức tập huấn lý thuyết, thực hành thực tế tại cơ sở nhằm nâng cao năng lực cán bộ làm công tác PCTT cấp huyện cũng như lực lượng xung kích PCTT cấp xã khi động đất xảy ra.

Để tiếp tục ứng phó với tình hình động đất tại huyện Kon Plông trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ Quốc gia về PCTT cho biết: “Với vai trò là văn phòng cơ quan thường trực của BCĐ quốc gia về PCTT, thì sẽ tiếp tục phối hợp với lại các bộ ngành, địa phương triển khai những cái giải pháp, nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao; tiếp tục tổ chức những cái hội nghị để mà đánh giá, rút kinh nghiệm và hướng dẫn các địa phương; từng bước hỗ trợ cho địa phương về kiến thức cũng như là các trang thiết bị cho lực lượng xung kích, cho văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy ở các xã, các thôn, các khu vực mà chịu ảnh hưởng của động đất có thêm năng lực để ứng phó khi mà có tình huống xảy ra, giảm thiểu thiệt hại.

Dù động đất tại huyện Kon Plông chưa gây ra thiệt hại về người và tài sản, nhưng đã gây tâm lý lo lắng, hoang mang cho người dân. Do đó, việc tổ chức thực hành thực tế phòng chống thiên tai tại cơ sở sẽ giúp người dân ổn định tâm lý, nhận biết được các dấu hiệu thiên tai và chủ động phòng chống, ứng phó. Đặc biệt người dân không chủ quan, lơ là và thực hiện đúng theo thông báo, hướng dẫn của chính quyền địa phương nếu xảy ra thiên tai./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *