(kontumtv.vn) – Nếu khắc phục hậu quả sau khi bị kết án để không bị tử hình thì vô hình trung dùng tiền để mua hình phạt.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội bày tỏ quan điểm không đồng tình khi Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

PV: Hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về quy định người phạm tội vì mục đích kinh tế đến mức bị tử hình nhưng sau đó khắc phục cơ bản hậu quả thì được giảm án. Quan điểm của đại biểu thế nào?

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ: Hình phạt có giá trị của nó. Nguyên tắc hình phạt của chúng ta trong lượng hình phải tính đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh

Việc áp dụng hình phạt hay không thì khi xét xử, tòa đã xét về nhân thân và tất cả các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để lượng hình và đi đến phán quyết.

Không thể nói bị kết án mới khắc phục hậu quả vì không đúng với tinh thần pháp luật. Bản án khi có hiệu lực, nếu dùng tiền khắc phục hậu quả để được giảm hình phạt thì vô hình trung dùng tiền để mua hình phạt, là không được.

Quan điểm của tôi không ủng hộ, vì như vậy sẽ bất bình đẳng giữa người có tiền và người không có tiền.

Nếu anh khắc phục hậu quả trước khi bị kết án thì lại khác, đấy được coi là tính chất nguy hiểm của hành vi đã được giảm nhẹ. Khi quyết định tử hình rồi thì không thể mua bằng tiền được.

PV: Người phạm tội tham nhũng khi vướng vòng lao lý khó trở lại vị trí, chức vụ như cũ để có thể tiếp tục gây hại. Nên có sự lượng hình vì hình phạt cao nhất chỉ áp dụng với đối tượng không thể cải tạo được? Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ: Đúng là hình phạt tử hình chỉ áp dụng trong trường hợp con người ấy có hại cho xã hội mà không còn biện pháp nào nữa để cứu vớt. Vì thế chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 49 là hạn chế áp dụng hình phạt tử hình.

Tôi nhắc lại “hạn chế áp dụng” có nghĩa là luật hình có thể vẫn quy định, chính sách hình sự vẫn thế nhưng khi áp dụng thì cố gắng tối đa tìm điểm nào le lói có thể cứu vớt, đưa người phạm tội có cơ hội trở lại con đường lương thiện được thì không áp dụng hình phạt tử hình.

Đó là nguyên tắc lượng hình, áp dụng hình phạt. Trách nhiệm của Tòa án phải làm việc ấy. Nghị quyết 49 phải hiểu tinh thần như vậy.

PV: Cũng có đại biểu cho rằng cách quy định như dự thảo sẽ tạo kẽ hở, dung túng cho tội phạm tham nhũng?

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ: Tôi không nói dung túng nhưng đồng ý với nhiều đại biểu phân tích là có cách hiểu hơi hữu khuynh, tức hiểu tư tưởng nhân đạo trong Hiến pháp chưa đúng.

Tình hình tội phạm đang diễn biến hết sức phức tạp. Chính sách hình sự trong Bộ luật Hình sự là cực kỳ quan trọng đối với việc bảo vệ chế độ. Phải đứng trên lập trường của một giai cấp nào đó để nhìn lợi ích của xã hội, bảo vệ lợi ích của ai để từ đó xác định chính sách hình sự.

Bởi thế nhìn ở góc độ luật hình sự phải có nhãn quan chính trị đúng và nhìn vấn đề lợi ích phải chính xác. Không phải cứ nói nhân đạo một cách mơ hồ.

Hình phạt là quả cân để cân hành vi phạm tội. Khi lập pháp xác định mỗi tội phạm có một quả cân tương ứng, và hệ thống hình phạt là những quả cân để lượng hình hành vi ấy. Người xét xử phải dùng quả cân nào hợp lý để cân hành vi phạm tội, xác lập công lý.

PV: Quan điểm cải cách tư pháp là xử nghiêm khắc người có chức vụ, quyền hạn phạm tội. Dự thảo luật bổ sung hình phạt nhẹ hơn ở phần tội phạm chức vụ khiến nhiều người băn khoăn cho rằng dễ giúp đối tượng nhận hình phạt thấp?

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ: Điều ấy đòi hỏi nhà lập pháp phải thấu đáo. Chính sách hình sự của chúng ta vì sao như bạn nói là đối với người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy công quyền mà phạm tội thì phải đánh giá là nguy hiểm hơn? Vì chúng ta bảo vệ lợi ích của dân, trên quan điểm nhân dân.

Những người ấy nhận sự ủy nhiệm của nhân dân, được nuôi bằng tiền thuế của dân, người dân gửi gắm niềm tin mà anh vi phạm thì chứng tỏ anh nguy hiểm hơn những người khác.

Người ít hiểu biết, không có trách nhiệm vi phạm thì mức độ nguy hiểm xã hội không lớn bằng anh nhân danh một tổ chức, một cơ quan quan trọng trong xã hội để phạm tội, ảnh hưởng uy tín của chế độ, vì thế phải xử lý nghiêm khắc hơn.

Tuy nhiên, luật pháp ngoài hình phạt chính có những hình phạt bổ sung có thể áp dụng để không tái phạm tội, để tước đi điều kiện đối tượng có khả năng tiếp tục gây hại. Có thể ai đó nhận thức không đúng, cho rằng áp dụng hình phạt bổ sung ấy là nhẹ.

Nguyên tắc phải cá thể hóa hình phạt. Chúng ta theo hai hướng trái ngược nhưng song song là hình sự hóa và phi hình sự hóa. Tính răn đe trong hình phạt với loại hành vi này, đồng thời phi hình sự hóa với hành vi kia nếu như nó mất dần tính nguy hiểm cho xã hội.

PV: Nhưng luật hiện hành còn nhiều điều luật quá chung chung, thiếu tính minh bạch, rõ ràng và dễ hiểu sai hay tùy tiện khi áp dụng như Tội cố ý làm trái, Tội thiếu trách nhiệm?

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ: Quan điểm của tôi ủng hộ minh bạch hóa. Quy phạm pháp luật hình sự phải rất rõ ràng, không thể muốn áp dụng cách nào cũng được.

Bởi vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của con người cho nên phải làm rất kỹ, khó hơn nhiều lĩnh vực, phải chính xác, rất cụ thể.

Luật càng cụ thể thì càng an toàn cho người sản xuất, kinh doanh cũng như chính những người được giao nhiệm vụ, quyền hạn.

Tôi rất ủng hộ quan điểm đề nghị với lĩnh vực kinh tế thì quy định tội phạm và hình phạt thế nào để đừng khiến nhiều người trong quá trình sản xuất, sáng tạo, đổi mới vô ý vi phạm, có những rủi ro trong sản xuất, kinh doanh lại vướng vào vòng lao lý.

PV: Vâng, xin cảm ơn đại biểu!./.

Ngọc Thành/VOV.VN (thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *