(kontumtv.vn) – “Phiên chợ Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch” là một trong những hoạt động quan trọng thuộc khuôn khổ Diễn đàn “Du lịch Kon Tum – Tiềm năng và Triển vọng năm 2022”. Phiên chợ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho những ai yêu thích dược liệu, đặc biệt là quốc bảo Sâm Ngọc Linh.

Đây là lần đầu tiên huyện Tu Mơ Rông tổ chức một phiên chợ quảng bá, giới thiệu về cây Sâm Ngọc Linh vốn được mệnh danh là quốc bảo Việt Nam. Phiên chợ có tất cả 46 gian hàng, trưng bày gần 160 mặt hàng dược liệu, 9 mặt hàng sâm củ và chiết xuất sâm củ Ngọc Linh của gần 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, các xã trong tỉnh Kon Tum và các tỉnh Quảng Nam, Bình Dương, TP.Đà Nẵng. Không chỉ giới thiệu sản phẩm dược liệu, Phiên chợ còn mang đến một cái nhìn đầy đủ và thực tế nhất về cây Sâm Ngọc Linh, cách phân biệt sâm củ Ngọc Linh thật với sâm Ngọc Linh giả hay phân biệt những sản phẩm Sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Có mặt tại Phiên chợ Sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông năm nay, Bà Đỗ Thị Xuân Lan, Giám đốc Công ty Dược Hoa Tuệ Tâm đến từ TP.HCM cho biết, hơn 15 năm làm đại lý kinh doanh, phân phối dược phẩm cho các hãng dược phẩm của Mỹ, Nhật, Úc, bà Lan nhận ra rằng, dược liệu và những sản phẩm dược liệu do Việt Nam sản xuất hoàn toàn có thể sánh ngang với dược phẩm nước ngoài về chất lượng. 5 năm trở lại đây, bà Lan biết nhiều đến cây thuốc quý Sâm Ngọc Linh. Càng tìm hiểu về Sâm Ngọc Linh, bà càng thấy bị cuốn hút vì những giá trị dược tính của loại cây này. Vì vậy, bà đến Phiên chợ Sâm Ngọc Linh tổ chức tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum để tìm kiếm cơ hội hợp tác với mong muốn đưa các sản phẩm dược liệu của núi rừng đến gần hơn với người tiêu dùng. “Lần đầu tiên tôi đi tham dự lễ hội Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum, huyện Tu Mơ Rông, tôi rất là phấn khởi và thấy rằng đây là nguồn sâm quý hiếm của Việt Nam tồn tại và được giữ. Tôi có xin tất cả các gian hàng, đặc biệt về sâm của tỉnh Kon Tum, của các huyện thì tôi xin số, về tôi sẽ lọc lại và gọi điện thoại để kết nối làm những sản phẩm. Đây có rất nhiều sản phẩm của núi rừng rất là tốt. Tôi thấy giá cũng mềm. Ngoài Sâm Ngọc Linh thì lá sâm dây cũng rẻ, có thể đem về bán cho người dân mình”, bà Lan hào hứng nói.

Là một trong 6 xã có chỉ dẫn địa lý Sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông, xã Tê Xăng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về giống và vốn đầu tư để bà con nhân dân trên địa bàn phát triển cây Sâm Ngọc Linh. Đến nay, hơn 70% hộ dân trong xã đang trồng, chăm sóc loại dược liệu quý này. Tham gia Phiên chợ Sâm Ngọc Linh năm nay, bà con Tê Xăng mong muốn quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng những đặc sản dược liệu của địa phương. Đây cũng là lần đầu tiên cây Sâm Ngọc Linh của Tê Xăng được bày bán công khai và lần ra mắt này đã thu hút đông đảo người mua. Ông A Đe, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Các loại dược liệu một số nơi ở nước ta không có được nhưng Tê Xăng, Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum lại có được, dược liệu có chất lượng như Sâm Ngọc Linh. Thứ 2, sâm dây. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội, những người có dược liệu đây người ta sẽ mở rộng ra, người ta làm ra được, đưa dược liệu này ra thị trường, trước đây gọi là bán lẻ tẻ trong xã thôi, nhân cơ hội này, trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng và các tỉnh lần cận sẽ biết được tỉnh Kon Tum, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông có cây dược liệu, đặc biệt là Sâm Ngọc Linh”.

Với bà con Xê Đăng ở huyện Tu Mơ Rông, Sâm Ngọc Linh đang là một trong những cây trồng chính giúp các hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Vì lẽ đó, tại các xã có chỉ dẫn địa lý Sâm Ngọc Linh, bà con đã biết liên kết nhau lại để thành lập các hợp tác xã, góp phần nhân rộng hơn nữa diện tích Sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Đến với Phiên chợ Sâm Ngọc Linh lần đầu được tổ chức tại huyện Tu Mơ Rông, Hợp tác xã Thảo dược Cộng đồng A&Y Ngọk Yêu ở xã Ngọk Yêu, huyện Tu Mơ Rông đã giới thiệu, trưng bày nhiều dược liệu quý trên địa bàn, đặc biệt là cây giống Sâm Ngọc Linh. Anh Đáo, thành viên của Hợp tác xã nói: “Trước đây bà con lấy từ rừng về, Sâm Ngọc Linh bà con trồng thì còn ít. Mình thấy bà con họ trồng trước là họ có tiền, bà con mới thích trồng. Bây giờ liên kết nên dễ bảo vệ, trong rừng không có ai bảo vệ, không có ai chăm sóc, trồng tập trung mới có hộ dân thay đổi nhau để chăm sóc”.

Phát huy giá trị dược tính và giá trị kinh tế của cây Sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông xác định đưa Sâm Ngọc Linh trở thành một trong những sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch trên địa bàn. Đây là hướng đi đúng đắn bởi vừa khai thác được tiềm năng, thế mạnh địa phương, vừa tạo được điểm nhấn về du lịch của huyện trong thời gian tới./.

Thu Trang – Duy Vĩ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *