(kontumtv.vn) – Nhằm tuyên truyền, giáo dục về phòng, tránh tai nạn bom mìn vật liệu nổ sau chiến tranh, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum phối hợp với Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) tại Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, tránh nguy cơ tai nạn thương tích do bom mìn, vật liệu nổ cho học sinh và Nhân dân trên địa bàn xã Kroong, thành phố Kon Tum với chủ đề “ Vì bình yên cuộc sống”.

Để bà con nhân dân và các em học sinh hiểu hơn về phòng, tránh tai nạn bom mìn vật liệu nổ sau chiến tranh, Bộ CHQS tỉnh và Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy có nhiều hình thức tuyên truyền như tuyên truyền bằng xe lưu động, chiếu phim, giao lưu văn nghệ; gặp gỡ, giao lưu với những người dân đã bị tai nạn bom mìn và trưng bày, thuyết trình tranh ảnh tại Trường THCS xã Kroong. Qua chương trình, góp phần xây dựng, hình thành ý thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn bom mìn, vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh để bà con và các em học sinh nhận biết, tự bảo vệ mình và báo cho chính quyền địa phương xử lý. Em Nguyễn Quỳnh Như, học sinh lớp 9B Trường THCS xã Kroong chia sẻ: “Thông qua chương trình hoạt động truyền thông phòng tránh bom mìn, vật liệu nổ, em hiểu và biết nguyên nhân gây ra các vụ nổ bom mìn. Khi chúng ta phát hiện hay nghi ngờ ở đâu có bom mìn thì chúng ta nên tránh xa, cảnh báo với mọi người nên tránh xa, sau đó báo với người lớn hoặc cơ quan chức năng gần nhất. Chúng ta không ném hay là cưa, sử dụng những tác động trực tiếp lên bom mìn hoặc là không nên tác động nhiệt lên bom mìn, không nên đi đến nơi đã có cảnh báo ghi bản bom mìn và khi lỡ đi vào khu vực có bom mìn thì ta nên cẩn thận, bình tĩnh đi ra.”

Tại đêm giao lưu, người dân đã được nghe những câu chuyện đau lòng từ các nạn nhân và thân nhân của các gia đình bị tai nạn thương tích do bom mìn. Ông Nguyễn Quang Vinh, sinh năm 1969 ở thôn Trung Nghĩa Đông, xã Kroong cho biết, lúc còn nhỏ đi chăn bò cùng người dân trong thôn, thấy quả đạn M79 cầm lên nghịch, không may phát nổ làm một người chết và hai người bị thương. Riêng bản thân ông bị thương ở tai và hỏng một con mắt. Ông cho biết thêm, trước đó trên địa bàn xã còn xảy ra một số vụ nữa chủ yếu do người dân làm rẫy gặp bom, mìn. Những vụ tai nạn bom, mìn hết sức thương tâm do chủ quan, thiếu hiểu biết hoặc do những nguyên nhân khác luôn là nỗi ám ảnh cho gia đình và xã hội.

Sau chiến tranh, trên địa bàn xã Kroong nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung còn lại rất nhiều loại bom mìn và đạn. Nhiều người dân đi làm rẫy và một số người đem về nhà dùng để đánh cá đã bị thương, thậm chí có người thiệt mạng. Việc tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn vật liệu nổ sau chiến tranh được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng đã góp phần cảnh báo, nâng cao ý thức phòng, tránh bom, mìn. Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Kroong cho biết: “Trong những năm gần đây được sự tuyên truyền của các cấp thì người dân đã giác ngộ nhiều. Qua đợt tuyên truyền của Bộ CHQS tỉnh tại địa phương góp một phần rất lớn để tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn của xã hiểu biết hơn nữa về tác hại của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, đặc biệt là bà con đồng bào DTTS. Qua truyền thông giúp các em học sinh trên địa bàn xã nhận thức sâu xa hơn về tác hại của bom mìn.”

Trong những năm qua, Bộ CHQS tỉnh đã cùng với các cấp, các ngành, các tổ chức trong và ngoài nước có nhiều hoạt động tuyên truyền và cử lực lượng công binh rà phá bom mìn hồi sinh những vùng đất chết, những khu vực bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh, góp phần mang lại bình yên cuộc sống, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh./.

CTV Ngọc Lưu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *