(kontumtv.vn)- Trước việc Công ty Cổ phần Tấn Phát, chủ đầu tư công trình Thủy điện Plei Kần tích nước trái phép gây thiệt hại cho người dân, UBND tỉnh Kon Tum đã có Công văn số 4154 ngày 4/11/2020 yêu cầu Công ty dừng việc tích nước trái phép, khẩn trương khắc phục, đền bù thiệt hại cho người dân.

Tính đến ngày 28/12 đã có 34/37 hộ dân trên địa bàn xã Đăk Rơ Nga (Đăk Tô) bị thiệt hại do thủy điện Plei Kần tích nước trái phép nhận tiền đền bù với tổng số tiền gần 2 tỉ đồng. Trong đó, hộ nhận đền bù ít nhất là 500.000đ và hộ nhận đền bù nhiều nhất là 670.000.000đ. Nói về việc nhận đền bù, ông Trần Hùng Tuấn ở thôn Đăk Kon, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, hộ bị thiệt hại nhiều nhất cho biết: “Gia đình tôi thủy điện đã đền bù tương đối hoàn chỉnh cho di dời, gia đình tôi không thắc mắc vấn đề đền bù nữa, còn giá cả thấy cũng tương đối hợp lý”.

Ông Nguyễn Văn Quân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tấn Phát cho biết, đến nay, đã có 60 hộ dân ở xã Đăk Nông, thị trấn Plây Kần, huyện Ngọc Hồi và 34 hộ dân ở xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô đã nhận tiền đền bù theo thỏa thuận với công ty. Về thời hạn hoàn thành tiến độ đền bù, ông Nguyễn Văn Quân cho biết: “Mục tiêu là 31/12 sẽ xong với người dân để thực hiện cam kết giữa công ty với UBND huyện Đăk Tô, huyện Ngọc Hồi và  Sở Công Thương”.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 17 hộ dân chưa đồng ý với quá trình kiểm đếm thiệt hại cũng như chưa đồng ý với việc áp giá đền bù thiệt hại của Công ty Cổ phần Tấn Phát. Trong đó, huyện Ngọc Hồi có 14 hộ và huyện Đăk Tô có 3 hộ. Nói về lý do chưa nhận đền bù, ông Nguyễn Phước Thạnh ở (tổ dân phố 1 Thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) cho biết: “Kiểm đếm đền bù cho gia đình tôi là cao trình 612 nhưng nước ngập lũ thì đến 613-614, gia đình chúng tôi thiệt hại hoa màu rất nhiều do đó gia đình chúng tôi chưa đồng ý. Tôi đề nghị thủy điện ngập đến đâu đền bù đến đó cho gia đình chúng tôi”.

Trao đổi cùng phóng viên Đài PT-TH Kon Tum, lãnh đạo UBND xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô cho biết, việc kiểm đếm, đánh giá khối lượng thiệt hại của người dân cũng như áp giá đền bù xã không được mời tham gia. Ông Lâm Thế Hiển, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Nga nói: “Quá trình thực hiện công ty cũng thiếu sự phối hợp, khi người ta đi làm trực tiếp với các hộ dân họ đi trực tiếp chứ không mời xã hay các ngành chuyên môn để xác định khối lượng thiệt hại. Mong các ngành chức năng tiếp tục có ý kiến để làm sao đánh giá toàn diện hơn nội dung thực hiện đó, chi trả làm sao đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người  dân”.

Cũng theo tinh thần Công văn số 4154 của UBND tỉnh Kon Tum, Công ty Cổ phần Tấn Phát đã cơ bản hoàn thành việc khắc phục tuyến đường và cầu đi khu sản xuất hơn 300 ha cây công nghiệp tại thôn Đăk Kon, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô. Tại vị trí sạt lở, một dầm cầu đã được bắc qua suối và hai đầu có kè rọ đá. Hai mố cầu là tuyến đường đất mới được đắp rộng chừng 3m. Hiện nay, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân đã thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình vẫn lo lắng về chất lượng công trình sau khi khắc phục. Ông Phạm Trung Thê ở thôn Đăk Ré, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, hộ có gần 20 ha cà phê và cao su tại thôn Đăk Kon lo lắng nói: “Chân cầu kia các anh nói là làm 40 phân bê tông mà bê tông thì không có rồi rọ đá kia thì nó sẽ sạt, đất đắp mái đứng thế này rồi nó sẽ lở, lở sẽ không có đường đi mà chắc chắn sẽ không có đường đi. Bà con chúng tôi muốn các anh làm cho đến nơi, gọn gàng cho đến mùa mưa khỏi bị không có đường đi”.

Hiện nay, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Tấn Phát dừng ngay việc tích nước công trình Thủy điện Plei Kần, chỉ được tích nước khi cấp có thẩm quyền cho phép. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng xử phạt hành chính đối với các sai phạm của Công ty Cổ phần Tấn phát trong quá trình xây dựng và vận hành thủy điện Plei Kần.

 Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *