(kontumtv.vn) – Được khởi xướng từ năm 2005, hơn 10 năm qua Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực Tây Nguyên do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng phối hợp với các địa phương tổ chức luôn được sự tham gia nồng nhiệt của các nghệ nhân 5 tỉnh Tây Nguyên và để lại nhiều ấn tượng đẹp.

Tại Liên hoan lần thứ 6 khu vực Tây Nguyên năm 2015 và là lần thứ 3 tổ chức tại Kon Tum đã thu hút gần 70 nghệ nhân của 5 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum tham gia. Với 15 tiết mục trong đêm sơ khảo và 10 tiết mục được lựa chọn công diễn trong đêm chung kết, các nghệ nhân đã mang đến Liên hoan dân ca khu vực Tây Nguyên 2015 tại Nhà rông Kon Klor, thành phố Kon Tum nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc của 4 dân tộc Ba Na, K’ho, M’nông, Ê Đê và để lại nhiều cảm xúc cho công chúng trong và ngoài nước. Đây không chỉ là dịp để phát hiện, bảo tồn và gìn giữ các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc nguyên bản, mang tính đặc trưng của các vùng miền mà còn là dịp để các nghệ nhân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, gắn kết văn hóa giữa các địa phương trong khu vực. Nghệ nhân K’Bột,  tỉnh Lâm Đồng nói: “Đây là lần đầu tiên mà chúng tôi đến Kon Tum, thấy bà con ở đây, nhất là tình đoàn kết, hữu nghị của anh em các dân tộc rất tốt. Tình cảm của bà con dành cho chúng tôi rất ưu ái và chúng tôi không nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn. Mong được thường xuyên tổ chức các liên hoan như thế này”.

Liên hoan dân ca khu vực Tây Nguyên 2015
Liên hoan dân ca khu vực Tây Nguyên 2015

Theo đánh giá của Ban Tổ chức và Hội đồng nghệ thuật, Liên hoan đã thành công tốt đẹp và đạt được mục tiêu đề ra là tìm kiếm, tôn vinh, duy trì và bảo tồn những làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ nguyên thể mang đặc trưng vùng đất Tây Nguyên. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật ghi nhận: “Đây là sân chơi của những con người bình thường. Họ hát như thế nào là họ đem lên sân khấu, chứ họ không qua một đạo diễn, dàn dựng gì cả. Đấy mới là cái mộc mạc, cái hồn nhiên và chính cái đấy mới là cái bản sắc văn hóa dân tộc’.

“Tôi thấy rất tuyệt vời. Dân tộc nào tôi cũng quí cả, chính đó là cái để duy trì dân ca của đồng bào mình, của dân tộc mình, là nền tảng của con cháu sau này để noi theo, thành thử tôi rất quí. Xem qua chương trình, tôi rất thích, tất cả các chương trình, tất cả các tiết mục đều đặc sắc cả. Đó là cái bản chất, bản sắc của văn hóa dân tộc”. NSƯT A Đuh – Thành viên Hội đồng nghệ thuật cảm nhận.

Điều đáng ghi nhận tại liên hoan lần này là số nghệ nhân trẻ chiếm tỷ lệ tương đối nhiều, và có sự trao truyền, xen kẻ giữa các thế hệ trong một tiết mục Đồng thời phát hiện thêm nhiều làn điệu dân ca mới, lần đầu tiên biểu diễn, ca từ mộc mạc, gần gũi với đời sống và đặc biệt là sự tham gia nồng nhiệt của các nghệ nhân – những người làm nên sự thành công của Liên hoa. Nghệ nhân A Thúk,  tỉnh Kon Tum nói; “Mong muốn của đoàn Kon Tum là mong sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đến văn hóa dân gian nói riêng và văn hóa nói chung, để các làng bản họ tiếp tục duy trì hoạt động đó. Đó là giá trị của văn hóa, phải bảo tồn, bảo lưu, giữ gìn và phát huy”.

Ngoài mục đích tìm kiếm, phát hiện và gìn giữ các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc nguyên bản, mang tính đặc trưng của các vùng miền, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố mới, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực Tây nguyên đã tạo được những nét riêng độc đáo, đáp ứng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

                                                                           Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *