(kontumtv.vn) – Trong chuyến công tác khảo sát về rừng ở khu vực biên giới các tỉnh Tây Nguyên, ngày 18/11, đoàn công tác Ban Chỉ đạo Tây Nguyên do ông Trần Đức Thanh – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nguyên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum.

Làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hải, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, địa phương liên quan.

Tại buổi làm việc, ngoài việc nắm bắt tình hình công tác quản lý bảo vệ rừng khu vực biên giới, việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su và kết quả công tác sắp xếp các doanh nghiệp lâm nghiệp theo Nghị định 118 năm 2014 của Chính phủ, đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đặc biệt quan tâm đến những vấn đề còn khó khăn, tồn tại trong tổ chức thực hiện, những định hướng, kiến nghị của tỉnh trong thời gian tới.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên làm việc với tỉnh Kon Tum
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên làm việc với tỉnh Kon Tum

Hiện nay, có gần 400.000 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc các huyện khu vực biên giới của tỉnh. Những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng, chăm sóc rừng luôn được các cấp chính quyền và các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Tình hình vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng đã giảm so với những năm trước. Từ đầu năm đến nay, số vụ vi phạm trong toàn tỉnh đã giảm trên 200 vụ, tương ứng 43% so với cùng kỳ; riêng khu vực biên giới giảm 63 vụ, tương ứng trên 34% so với cùng kỳ 2014. Về kết quả công tác chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cao su, từ năm 2007 đến tháng 9/2011 đã có 10 đơn vị, doanh nghiệp, với 56 dự án được phép chuyển đổi rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su, với tổng diện tích trên 39.000 ha, tập trung chủ yếu tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Nhìn chung, cây cao su sinh trưởng, phát triển tốt, có khả năng cho năng suất mủ cao. Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc thu hút, tuyển dụng lao động vào làm việc của các doanh nghiệp trồng cao su gặp nhiều khó khăn, mới chỉ đáp ứng khoảng 27% nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Nhân dịp này tỉnh Kon Tum đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên kiến nghị với Chính phủ và Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương để tổ chức thực hiện đo đạt, cắm mốc, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty lâm nghiệp; ban hành cơ chế, chính sách thuận lợi để các công ty lâm nghiệp được liên doanh, liên kết trồng rừng; có cơ chế, chính sách hưởng lợi trong công tác giao rừng, cho thuê rừng rõ ràng hơn để cá nhân, tổ chức yên tâm nhận đất, nhận rừng, quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng tài nguyên rừng ổn định, lâu dài, có hiệu quả.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Đức Thanh đánh giá cao về công tác quản lý bảo vệ rừng của tỉnh. Kon Tum là địa phương có độ che phủ rừng cao nhất ở Tây Nguyên, mục tiêu chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cao su đạt kết quả tốt. Trong dịp này, ông Trần Đức Thanh đã chia sẻ với những khó khăn chung trong việc chuyển đổi, tái cơ cấu các doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn; ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của tỉnh để tổng hợp, tham mưu,  đề xuất với Chính phủ và các bộ,  ngành Trung ương trong thời gian tới.

Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *