(kontumtv.vn) – Sự mất cân đối giữa đào tạo và tuyển dụng dẫn đến nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không có việc làm, đã gây lãng phí cho xã hội.

Đã hơn một năm kể từ ngày tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục tiểu học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, thế nhưng công việc mỗi ngày của Y Thúy (Làng Kon Tum Knâm, thành phố Kon Tum) là giúp ba mẹ việc đồng áng. Cách nhà Y Thúy không xa, Y Nganh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tốt nghiệp cao đẳng sự phạm chuyên ngành Mầm non, nhưng ước mơ được đứng trên bục giảng của Y Nganh không trở thành hiện thực. Những lúc rảnh rỗi, Y Nganh thường tìm đến nhà Y Thúy để cùng nhau trò chuyện, chia sẻ nỗi niềm. Y Nganh chia sẻ: “Em học khoa sư phạm mầm non, hiện tại em đã ra trường đươc 1 năm. Em có nguyện vọng được dạy các em học sinh chứ không phải làm nông. Bởi vì em đã đi học, em mong muốn được đi dạy”.

Y Thúy cho biết: “Làng của em hiện có 10 người học Trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum đã ra trường  hiện chưa có viêc làm, chủ yếu họ làm rẫy, làm ruộng, trong đó có em. Bây giờ em hy vọng được đứng trên bục giảng chứ không phải cầm cây cuốc để cuốc đất”.

Giai đoạn 2012-2014, Trường CĐSP Kon Tum có trên 1.200 sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành Mầm Non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Trong đó, chỉ có 60% trong số này là có việc làm. Như vậy chỉ trong 3 năm đã có hơn 500 sinh Cao đẳng sư phạm Kon Tum tốt nghiệp không có việc làm theo chuyên ngành được đào tạo.

TUYEN DUNG

Cũng là chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, giai đoạn 2012- 2014  Trường Trung học Y Tế tỉnh Kon Tum đã đào tạo cho tỉnh 415 cán bộ y tế. Nhưng trong số này chỉ có 60 trường hợp được tuyển dụng hay được hợp đồng lao động. Còn lại trên 350 người phải chịu cảnh thất nghiệp và phải làm việc khác chuyên ngành được đào tạo để mưu sinh. Vậy đâu là nguyên nhân của việc hàng trăm sinh viên tốt nghiệp các trường của tỉnh không có việc làm? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Hiện nay, việc đào tạo của các trường đều dựa trên chỉ tiêu của cấp trên giao và để thực hiện chỉ tiêu này các trường chuyên nghiệp của tỉnh đã phải tiêu tốn một số kinh phí không hề nhỏ cho việc chi trả chế độ giáo viên, giảng viên, chi phí tổ chức thực hành, học tập, kinh phí để hỗ trợ sinh viên nghèo, sinh viên có hộ khẩu khu vực đặc biệt khó khăn và nhiều chi phí khác. Thạc sĩ Nguyễn Cư, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum cho biết: “Đối với các loại hình sư phạm thì hàng năm tỉnh giao chỉ tiêu về số lượng. Trên cơ sở chỉ tiêu này thì sở Giáo dục Đào tạo sẽ phân bổ cho các ngành và giao cho trường thưc hiện”.

Điều đáng quan tâm là số sinh viên tốt nghiệp hàng năm lên đến vài trăm người, nhưng ngược lại nhu cầu tuyển dụng việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo trên địa bàn tỉnh lại rất nhỏ giọt. Bác sĩ Chuyên khoa I Trịnh Thị Ngộ, Hiệu trường trường Trung học Y Tế  Kon Tum nói: “Nhà trường rất băn khoăn, lo lắng về đầu ra việc làm cho các em. Công tác tuyển dung của ngành cũng như thu nhận các nhân viên mới ra trường của các cơ quan khác thì cũng không có gì ưu tiên hơn đối với các em được đào tạo trong tỉnh”.

Sự mất cân đối giữa đào tạo và tuyển dụng tại các trường chuyên nghiệp của tỉnh Kon Tum là khá rõ nét. Một năm học nữa sắp kết thúc và một mùa tuyển sinh cao đẳng, trung học chuyên nghiệp lại bắt đầu. Sẽ có hàng trăm sinh viên đăng kí vào các trường của tỉnh và danh sách thất nghiệp, chờ việc làm lại dài thêm.

                                                                             Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *