(kontumtv.vn) – Tỉnh Kon Tum đã đạt được 2/4 tiêu chí  loại trừ bệnh phong  ở qui mô cấp tỉnh theo qui định của Bộ Y tế. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Kon Tum và đoàn công tác của Bộ Y tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Kim Đơn cùng lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS. TS Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương làm trưởng đoàn. Nội dung của buổi làm việc là đánh giá tình hình dịch tễ và kết quả thực hiện công tác phòng, chống bệnh phong giai đoạn 2006 – 2014 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum làm việc với Bộ Y tế
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum làm việc với Bộ Y tế

Tại buổi làm việc, đoàn công tác  Bệnh viện Da liễu Trung ương đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Kon Tum trong công tác phòng chống phong. Tổ chức mạng lưới phòng, chống bệnh phong tỉnh Kon Tum trải rộng từ tỉnh đến cơ sở, tỷ lệ lưu hành bệnh phong có xu hướng giảm đều và đã được khống chế dưới 0,2/10.000 dân từ đầu năm 2013, tỷ lệ người bệnh phong mới được phát hiện có mức độ tàn tật  nặng  dưới 15% từ năm 2012. Đặc biệt, đoàn công tác đánh giá cao việc người dân ở một số vùng trọng điểm về bệnh phong bước đầu có ý thức tự giác đến với cơ sở y tế khi thấy có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ của bệnh phong.

Với những kết quả đã đạt được trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống bệnh phong, phấn đấu  đạt 4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong ở qui mô cấp tỉnh của Việt Nam vào năm 2015. Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian còn lại, theo PGS.TS Trần Hậu Khang, Kon Tum cần phải chú trọng thực hiện một số hoạt động trọng tâm: “Còn rất nhiều hoạt động cần phải tiến hành để đạt được mục tiêu về phát hiện bệnh nhân phong mới, để tất cả bệnh nhân trong cộng đồng được phát hiện điều trị kịp thời không để xảy ra biến chứng và đặc biệt là tàn tật. Thứ hai là vẫn duy trì mạng lưới chống phong để cho hoạt động chống phong cấp tỉnh xuống cấp xã vẫn được duy trì và tiến hành một cách đều đặn. Thứ ba là công tác phòng chống phục hồi chức năng, phòng chống tàn tật vẫn được tiếp tục và được cải tiến, đặc biệt là những bệnh nhân tàn tật, bị lận ổ gà, bì cò cần phải được giáo dục y tế để họ chăm sóc phòng chống tàn tật”.

Nhân dịp này, tỉnh Kon Tum đã đề xuất Bộ y tế cũng như Bệnh viện Da liễu Trung ương quan tâm hỗ trợ  hơn nữa cho tỉnh trong công tác phòng chống phong như: Đào tạo nhân lực, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho công tác khám và điều trị; nâng cấp Bệnh xá phong Đăk Kia thành Bệnh viện phong và Da liễu tỉnh Kon Tum để đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị bệnh phong nói riêng, bệnh da liễu nói chung cho nhân dân tỉnh Kon Tum.

                                                                     Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *