(kontumtv.vn) – Ở Kon Tum, có một nơi mà nhiều đời nay cả dân làng không ai dám nuôi bò bởi một lời nguyền từ thưở xa xưa. Đó là ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Nhưng nay mọi chuyện đã khác, người Rơ Măm ở Làng Le đã cùng nhau bước qua lời nguyền ấy và coi chăn nuôi bò là một mô hình phát triển kinh tế hiệu quả giúp họ vượt qua đói nghèo.

Chúng tôi đến gia đình ông A Gung, người cao tuổi nhất ở Làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy). Trong ngôi nhà ván đơn sơ vừa mới được tráng nền xi măng cách đây hơn một năm, được nghe ông kể lại phong tục không nuôi bò của dân làng mình trước đây. Ông cũng không nhớ rõ là phong tục ấy đã có từ khi nào, cách đây bao nhiêu mùa rẫy, chỉ biết rằng từ thưở bé, ông đã được nghe những người lớn tuổi trong làng kể lại rằng người Rơ Măm ở làng Le có một lời nguyền là hễ ai nuôi bò thì bò sẽ chết nếu không người trong làng sẽ chết.

Chính vì thế mà trước đây người Rơ Măm ở làng Le, chăn nuôi duy nhất là con trâu mà không ai dám nuôi bò, mặc dù ở những làng khác người dân chăn nuôi bò rất tốt. Sau nhiều năm nghiên cứu về dân tộc  này, năm 1992, Viện Khảo cổ học đã có phương án giúp người dân phát triển kinh tế, đó là hỗ trợ chăn nuôi bò, và đây được xem là mốc đánh dấu lần đầu tiên người dân làng Le bước qua lời nguyền.Ông A Hrách Láo, Chủ tịch UBND xã Mô Rai cho biết: Trung ương đã xây dựng đề án đầu tư riêng cho dân tộc Rơ Măm gồm 8 tỷ đồng, trong đó gồm chăn nuôi, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm. Về chăn nuôi ban đầu Dự án cấp cho mỗi hộ 2 con bò, tổng cộng có 50 hộ là 100 con. Qua thực tế nuôi thì ban đầu không có kết quả, con bò nó chết dần, chết mòn, nhiều hộ chán nản không muốn nuôi bò nữa.

Người dân làng Le càng tin lời nguyền xưa là có thật. 100 con bò được hỗ trợ đầu tiên chết lần, chết mòn, rồi bị mất, bà con bắt đầu nản. Tuy nhiên, trong làng vẫn có người kiên trì với chăn nuôi bò, mặc cho dân làng dị nghị, không muốn. Đó là trường hợp của gia đình ông A Rói và bà Y Mối, có 2 con bò được cấp đều bị chết. Lúc này ông A Rói đang là thôn trưởng của Làng Le, muốn dân làng thay đổi trước tiên phải làm cho bà con tin. Vợ chồng ông bà mua bò của làng khác về nuôi, bộ đội xuống tận nơi làm chuồng, hướng dẫn cách chăn nuôi, dần dà người dân trong làng đã làm theo gia đình ông. Bà Y Mối nhớ lại: Ngày trước dân làng nuôi bò không được, chết hết. Cán bộ, bộ đội vận động minh nuôi, hướng dẫn mình nuôi thì mình nuôi, thấy nó sống khỏe, phát triển tốt, rồi trong làng cũng nuôi theo.

Đảng ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, rồi Nhà nước tiếp tục đầu tư, nhiều hộ trong làng chăn nuôi bò đã có kết quả, bò phát triển tốt. Làng Le không còn kiêng kỵ nuôi bò nữa. Ông A Hrách Láo kể:   Có những hộ kiên trì nuôi. Sau này Dự án đầu tư cho dân tộc Rơ Măm tiếp tục được triển khai, cấp bò đợt 2, mỗi hộ được 1 con. Từ đó vừa nuôi bò của Dự án, các hộ còn tự mua thêm, hiện nay bà con không còn kiêng cử nữa.

Nhờ chăn nuôi bò, gia đình bà Y Mối tăng thu nhập và có điều kiện để sửa sang nhà cửa, mua sắm các vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình. Hiện nay gia đình bà đang nuôi 14 con bò, và đàn bò này sẽ được chia cho con cháu khi lập gia đình.

Không còn đủ sức để làm rẫy, để săn bắt con thú, cũng không được hưởng lương hưu vì làm sai thủ tục, nhưng nhờ những con bò hỗ trợ của Nhà nước mà già A Gung hiện nay có ngôi nhà kiên cố để ở, và vẫn tiếp tục với công việc chăn nuôi để có thu nhập ổn định cho gia đình. Vợ chồng ông có 6 con bò, trong đó 3 con đã cho cậu con trai nuôi.

Hiện nay thế hệ trẻ ở Làng Le, mặc dù lớn lên vẫn nghe các già làng kể về lời nguyền, về phong tục không nuôi bò của dân làng, nhưng đó chỉ là câu chuyện để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn. Thế hệ những chàng trai, cô gái Rơ Măm hiện nay đã biết trồng cao su và coi việc nuôi bò là một mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh A Đon (làng Le, xã Mô Rai) chia sẻ: Gia đinh tôi từ hồi ông già cho bò nuôi,  đã bán được 2 con, mỗi con 7 triệu đồng, hai vợ chồng mua xe, 1 cái ti vi màu. Năm nay bán bò mua được 1 cái tủ, 1 bộ bàn ghế.  Hiện nay dân làng càng mong muốn nuôi bò, vì nuôi bò rất hiệu quả, nếu chăm sóc tốt sẽ phát triển rất nhanh, trong làng nhiều hộ rất thích nuôi bò.

Người Rơ Măm ở làng Le hiện có 119 hộ với 460 nhân khẩu, theo UBND xã Mô Rai cho biết, hiện nay 50% người dân làng Le đã chăn nuôi bò, nâng tổng đàn gia súc trên địa bàn xã Mô Rai lên gần 1.000 con. Người làng Le ngày nay đã khác, họ đã biết trồng cao su để phát triển kinh tế gia đinh, đã biết chăn nuôi bò để cải thiện thu nhập và đối với mỗi người dân Làng Le, truyền thuyết về lời nguyền không nuôi bò vẫn là câu chuyện được lưu truyền. Thi thoảng dân làng vẫn kể cho con cháu nghe việc họ đã cùng nhau bước qua lời nguyền ấy để có cuộc sống như hôm nay.

                                                                   Ngọc Hòa – Duy Vỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *