(kontumtv.vn) – Thông tin từ các báo phản ánh vụ việc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang vừa giải cứu thành công 12 người bị ép làm ngư phủ không công trên biển do nạn cò mồi lao động, trong số đó có người của tỉnh Kon Tum. Mới đây, phóng viên Đài PT- TH tỉnh Kon Tum đã tìm hiểu sự việc, xác định có 2 thanh niên là người dân tộc thiểu số tại xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum có tham gia lao động trên tàu đánh cá được lực lượng Biên phòng giải cứu, nhưng đến nay 2 thanh niên vẫn chưa trở về địa phương.

Nguồn tin từ Bộ đội Biên phòng các cấp, 2 lao động là người dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum có liên quan trong vụ giải cứu 12 lao động bị ép làm ngư phủ không công trên biển vào đêm 27/7/2018 là A Jơng và A Trưng ở xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum. Sau khi giải cứu và xử lý sự việc, 2 ngày sau Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã mua vé xe, cử người đưa các nạn nhân lên xe để trở về địa phương. Tuy nhiên đến ngày 6/8, thời điểm phóng viên tìm hiểu sự việc, 2 thanh niên này vẫn chưa có mặt ở nhà.

Theo ông A Thên (thôn Kon Hngo KLả, xã Ngọc Bay) xác nhận, hình ảnh A Jơng chính là con ruột của ông ấy. Năm nay A Jơng 15 tuổi, đang học lớp 9 thì bỏ học, theo bạn bè rủ rê đi làm. Cậu ấy đi từ tháng 3 đến giờ gia đình không biết làm gì, ở đâu. Ông A Thên nói: “Bữa đầu tiên mình bảo ở nhà làm việc nhà. Rốt cuộc mấy đứa kia rủ đi làm ở Sài Gòn. Mình đi làm mướn làm thuê người ta về tới nhà không thấy con ở nhà. 2-3 ngày mới nghe mấy đứa nói đi Sài Gòn đi làm, đi kiếm tiền. Tới bữa nay không thấy như thế nào nữa”.

A Jơng và A Trưng đến nay vẫn chưa về địa phương
A Jơng và A Trưng đến nay vẫn chưa về địa phương

Nhớ con, gia đình A Thên đã cử cô con gái A Jơng vào Sài Gòn 2 lần tỉm kiếm nhưng cũng không tìm được cậu ấy. Chị Y Liêu, chị gái A Jơng kể: “Tìm khắp ở trên Sài Gòn thì không thấy. Gọi điện thì cũng không được, vào Facebook cũng không vào được. Hỏi mấy bạn, mấy bạn nói cũng không thấy ở trên đó. Chắc là em Jơng nó làm chỗ khác”.

Bà Y Him, mẹ của A Trưng cũng ở tại thôn Kon Hngo KLả, xã Ngọc Bay. Bà Y Him cho biết, A Trưng năm nay 21 tuổi. Đi làm ăn xa 2 lần rồi nhưng không biết làm ở đâu. Lần đầu đi vào năm 2017, lần sau đi cùng với A Jơng vào tháng 3/2018. Bà Y Him cho biết: “Hai đợt đi không biết đi đâu, chỉ nghe người ta nói làm Sài Gòn. Bữa về đây nó cho mẹ 600.000đ mua 1 bao gạo. Đi làm nó không nói mẹ, mẹ đâu có biết. Nghe người ta nói làm ở Sài Gòn thôi”.

Theo công an xã Ngọc Bay, hiện nay tình trạng thanh niên trong xã đi làm ngoài tỉnh cũng nhiều, riêng thôn Kon Hngo Klả có 7-8 người, chủ yếu là đi Sài Gòn. Anh A Dũng, Công an xã Ngọc Bay cho biết: “Theo thông tin mình nắm được là mấy cháu đi làm  không qua cho chính quyền biết. Thậm chí đi gia đình cũng không biết luôn. Vài ngày sau thì gia đình mới biết. Thông tin mình nắm được, mình lên hỏi gia đình thì gia đình cũng không biết làm ở đâu. Chỉ biết vô Sài Gòn thôi, chứ không biết làm ở đâu hết”.

Từ các nguồn tin trên báo, vụ việc giải cứu 12 lao động bị ép làm không lương trên các tàu cá, phần lớn các lao động bị các cò mồi, người môi giới lôi kéo hoặc xem thông tin trên các tờ rao vặt với mức lương khá cao. Song, khi đưa xuống các tàu cá thì bị ép làm không công, không cho lên bờ vì chủ tàu cá đã trả tiền cho các cò mồi lao động. Qua sự việc này, người lao động trên địa bàn tỉnh cần cảnh giác về những lời chào mời lao động với mức lương hấp dẫn, bởi hiện nay nhu cầu lao động làm việc trên các tàu cá rất nhiều, khan hiếm. Đáng nói, phần lớn lao động làm việc rất nặng nhọc, đã có không ít người bị bóc lột sức lao động, sức tàn lực kiệt mà không được trả tiền công, trốn về như 1 số báo đã phản ánh trước đây.

Qua đây cũng có lời cảnh báo đối với các trường hợp đi làm xa gia đình, trước khi đi cần phải nói rõ cho người thân, báo cho chính quyền địa phương biết đi đâu, làm gì để tránh tình trạng như A Jơng và A Trưng. Cho đến nay 2 trường hợp này chưa trở về địa phương, gây hoang mang cho gia đình và người thân.

           Quang Mẫn – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *