(kontumtv.vn) – Kết thúc mùa khô, bước vào mùa mưa là thời điểm các loại dịch bệnh trên đàn gia súc xuất hiện. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do các loại dịch bệnh gây ra, Trạm Thú y thành phố Kon Tum đã chủ động tiêm phòng cho đàn gia súc trên địa bàn, nhằm đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Khác với mọi năm, khi mùa khô bắt đầu kết thúc thì tất cả các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Đăk Cấm cũng như các địa bàn khác có đàn gia súc đều đã được tiêm phòng. Thực  tế, phòng bệnh khi nào cũng hơn chữa bệnh. Nếu để  con vật ủ bệnh thì công tác điều trị, chăm sóc trở nên tốn kém và rất dễ lây ra diện rộng. Anh Nguyễn Đức, Trưởng Ban Thú y xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum nói: “Riêng năm nay thì Trạm Thú y thành phố có chủ trương tiêm sớm, Thú y xã được phân công tiêm phòng triển khai và có báo cáo với chính quyền xã thành lập đợt tiêm phòng đợt I năm 2015 này và phối kết hợp với các địa bàn xã khác để đi tiêm phòng cho hiệu quả. Đến thời điểm này thì tỉ lệ tiêm phòng là hơn 50%”

Trong đợt tiêm phòng theo Chương trình mục tiêu quốc gia lần này, địa bàn thành phố Kon Tum sẽ có hơn 17.000 con gia súc được tiêm. Đối với  9 địa phương tổ chức tiêm theo cụm thì trưng tập cán bộ thú y của các xã, phường  tiêm tập trung theo cụm, tiêm phòng dứt điểm gia súc của từng xã theo hình thức cuốn chiếu. Đối với 11 xã, phường không tổ chức tiêm theo cụm thì ban thú y  các xã trực tiếp tiêm phòng cho đàn gia súc của địa phương.

Tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc
Tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc

Giai đoạn thời tiết chuyển mùa là lúc gia súc giảm sức đề kháng, rất dễ nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng. Do đó, năm nay Trạm Thú y thành phố Kon Tum đã xin chủ trương tiêm phòng sớm, đồng thời chủ động phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân các biện pháp phòng chống các loại dịch bệnh. Bà  Đỗ Thị Kim Giao, Phó trưởng Trạm thú y thành phố Kon Tum cho biết: “Trong đợt này đang triển khai tiêm phòng trên địa bàn toàn thành phố Kon Tum, với tổng liều vắc xin dự kiến ban đầu là 17.000 liều vắc xin lở mồm long móng 2 tuýp O và A để tiêm cho đàn trâu bò và dê. Trong thời gian triển khai tiêm phòng, nếu gia súc bà con nào mà chưa được tiêm, thì có thể báo cho Ban Thú y xã, phường, hoặc là Trạm Thú y để được tiêm phòng bổ sung”.

Ngoài công tác tăng cường cán bộ thú y xã, phường bám sát địa bàn để theo dõi, kịp thời xử lý khi dịch bệnh xảy ra, Trạm đã vận động nhân dân phát quang bụi rậm xung quanh khu vực chuồng nuôi, khử trùng tiêu độc bằng các loại hóa chất theo định kỳ. Bà Đỗ Thị Kim Giao hướng dẫn: “Để công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả thì bà con lưu ý phải tiêm phòng đầy đủ vắc xin. Đối với trâu, bò thì phải tiêm phòng đầy đủ 2 loại vắc xin như lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Đối với lợn thì phải tiêm vắc xin dịch tả lợn và có thể tiêm kèm vắc xin dị liên để phòng 3 bệnh như dịch tả lợn, tụ huyết trùng và phó thương hàn”.

Theo dự kiến, chương trình tiêm phòng đợt I sẽ kết thúc vào cuối tháng 4 năm 2015. Sau đợt tiêm phòng, tất cả các địa phương trên địa bàn thành phố đều có báo cáo cụ thể để có phương án rà soát tiêm phòng bổ sung, không để tình trạng bỏ sót, nhằm hạn chế thấp nhất các loại dịch bệnh xảy ra.

                                                                             Duy Phong – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *