(kontumtv.vn) – Sáng 26/8, ông Ksor Phước, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum. Tiếp và làm việc với Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội có ông Hà Ban, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Y Mửi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố.

Nhằm đánh giá tình hình thực tiễn làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách dân tộc trong thời gian đến, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc quan tâm tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn của tỉnh  trong thực hiện chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, về giải quyết di cư tự do, giải quyết việc làm cho sinh viên cử tuyển và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch
Chủ tịch HĐDT Quốc hội Ksor Phước làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum

Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, khu vực khó khăn nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng đã được hưởng lợi nhiều chương trình, chính sách để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Giai đoạn 2010-2014, tỉnh được đầu tư trên 819 tỉ đồng từ Chương trình 135 để xây dựng hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và các thôn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, các Chương trình như 102, 168, 154, 167 và nhiều chương trình khác của Chính Phủ đã tiếp sức cho bà con dân tộc thiểu số về cây con giống, định canh định cư, trợ giá trợ cước, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, về học tập và chăm sóc sức khỏe. Qua đó, đời sống người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn miền núi từng bước khởi sắc.

Cùng với nguồn đầu tư của Trung ương, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều chính sách tiếp sức cho đồng bào thiểu số như dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, chính sách phát triển sản xuất ở 20 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn, cấp bù lãi suất cho hộ nghèo, hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền và nhiều chương trình khác. Nhờ vậy, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh từ trên 33% năm 2010 giảm còn 19,2% vào năm 2013.

Về giải quyết tình hình di cư tự do, từ năm 2005 đến nay có gần 6.000 hộ, trên 18.500 nhân khẩu di cư tự do đến Kon Tum. Tỉnh đã triển khai nhiều dự án để ổn định đời sống người dân. Đến nay đã cơ bản sắp xếp ổn định cho gần 10.000 nhân khẩu và hiện đang tiếp tục kế hoạch bố trí ổn định cho những hộ còn lại. Đối với công tác giải quyết việc làm cho sinh viên cử tuyển, giai đoạn 2006-2013 có gần 630 em được cử tuyển, trong đó trên 470 em là người dân tộc thiểu số. Đến nay, còn 124 em chưa bố trí được việc làm. Về xây dựng nông thôn mới, qua 3 năm triển khai đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân và góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Trong 81 xã toàn tỉnh có xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà được công nhận xã nông thôn mới, 3 xã đạt 19/19 tiêu chí, 5 xã đạt 11-18 tiêu chí và 52 xã đạt từ 5-10 tiêu chí.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Kon Tum còn gặp nhiều khó khăn như hạ tầng nông thôn còn hạn chế. Số xã, thôn đặc biệt khó khăn nhiều. Tỉ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số cao. Trình độ sản xuất của đồng bào thiếu số còn hạn chế. Hiện tỉnh gặp khó khăn trong việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân thiếu đất. Nguyên nhân là do việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất do nông- lâm trường quản lý không thuộc thẩm quyền của tỉnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đòi hỏi nguồn đầu tư lớn trong khi nguồn lực của tỉnh và trong nhân dân hạn chế. Để khắc phục những khó khăn này, tỉnh Kon Tum cần sự tiếp sức, hỗ trợ của Trung ương về chủ trương chính sách, về kinh phí.

Đề xuất tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh  nghị Chính Phủ cần có chính sách ưu đãi đặc thù với khu vực dân tộc, miền núi như tỉnh Kon Tum, có chính sách tín dụng riêng với các hộ tái định cư các công trình thủy điện để ổn định sản xuất, đề nghị giao chỉ tiêu biên chế cho tỉnh để giải quyết việc làm cho sinh viên cử tuyển. Về thu hút đầu tư, kiến nghị Chính phủ cần  định hướng các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vào Kon Tum trên các lĩnh vực như chế biến sản phẩm từ mủ cao su, từ cà phê và một số sản phẩn khác. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng cơ chế đầu tư đặc thù để giúp các tỉnh Tây Nguyên thuận lợi trong thu hút đầu tư.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước chia sẻ khó khăn của tỉnh Kon Tum, đồng thời đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh trong việc đầu tư, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lưu ý tỉnh Kon Tum đã chuyển sang sản xuất hàng hóa nhưng tính tự phát còn cao. Tỉnh có mô hình tốt về sản xuất nông nghiệp nhưng việc nhân rộng còn hạn chế. Đặc biệt, thu nhập trên diện tích đất của Kon Tum thấp hơn bình quân cả nước đến 12 triệu đồng. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đề nghị tỉnh Kon Tum đẩy mạnh tuyên truyền để hạn chế tư tưởng ỷ lại của người dân, tăng cường cơ giới hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đề nghị tỉnh và các địa phương cần thống kê, nắm tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số chính xác để có kế hoạch phát triển hợp lý, hiệu quả. Đồng thời lưu ý Kon Tum nên xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực, tăng cường kiểm tra công tác di cư tự do và việc bán đất sản xuất, đất ở của người dân tộc thiểu số.

                                                                             Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *