(kontumtv.vn) – 40 năm qua, với tinh thần đoàn kết một lòng, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) không ngừng nỗ lực vươn lên, đạt được những thành quả quan trọng, tạo được dấu ấn khá rõ nét về phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh và cả nước trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đắk Nhoong là xã vùng biên, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Đắk Glei, gần 100% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. 40 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, diện mạo Đăk Nhoong hôm nay đã có nhiều khởi sắc. Hệ thống giao thông được đầu tư nâng cấp, cơ bản đảm bảo lưu thông thuận lợi. Toàn xã có gần 100 ha ruộng nước hai vụ; hơn 150 ha đất trồng các loại cây nông nghiệp như sắn, ngô; gần 300 ha bời lời. Từ một xã tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao, đến nay Đăk Nhoong đã có gần 50% số hộ có mức thu nhập bình quân từ 30 đến 40 triệu đồng/năm. Ông A Mara (thôn Đăk Ga, xã Đăk Nhoong) nói: “Đời sống của bà con bây giờ thay đổi rất nhiều, nhất là về sản xuất, chăn nuôi, trước đây rất khó, đường xá cũng khó khăn, điện cũng không có. Bây giờ dân trồng nhiều nhất là  mì, hằng năm mỗi hộ thu được từ 10 đến 20 triệu đồng, ruộng thì đủ ăn. Hiện nay đời sống tinh thần và vật chất của bà con tương đối đầy đủ”.

Trong những năm qua, được chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước trên địa bàn, UBND xã cũng đã tuyên truyền phổ biến cho nhân dân những cách làm hay, cách làm tốt ở các mô hình trong địa bàn tỉnh, trong đó là nhân rộng các mô hình như chăn nuôi trâu, bò, dê. Trên địa bàn xã hộ nghèo đã  giảm nhiều so với mọi năm”. Ông A Nang, Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong cho biết.

Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập huyện Đăk Glei
Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập huyện Đăk Glei

Sau khi hòa bình lập lại, ngày 01/11/1975 Tỉnh ủy Gia Lai – Kon Tum  đã ra Nghị quyết sáp nhập 2 huyện H30 và H40 thành lập huyện Đăk Glei. Sau khi được thành lập, Đảng bộ huyện đã nhanh chóng triển khai nhiều chủ trương, giải pháp nhằm khắc phục vết thương chiến tranh, ổn định, phát triển kinh tế. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Glei đạt được những thành quả tích cực, có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, nổi bật là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong huyện. Đến nay, toàn huyện có hơn 3.000 ha diện tích các loại cây lương thực; 1.550 ha cao su; hơn 1.140 ha cà phê. Nhờ đó, từ chỗ thiếu lương thực, giờ đây Đăk Glei đã đảm bảo được an ninh lương thực trên địa bàn.

Các tiềm năng, lợi thế của huyện đang được phát huy hiệu quả, nhiều nhà máy thủy điện được đầu tư xây dựng. Huyện đã giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho hơn 3.000 hộ gia đình, đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân và nâng độ che phủ của rừng lên 72%. Kết cấu hạ tầng trung tâm huyện và các xã được đầu tư mở rộng, 110/112 thôn, làng có điện lưới quốc gia; trên 97% hộ dân được sử dụng điện; trên 65% hộ gia đình ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đặc biệt từ khi đường Hồ Chí Minh xây dựng đã làm cho kinh tế – xã hội của huyện chuyển biến nhanh chóng. Ông Trịnh Xuân Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei nói: “Qua 40 năm xây dựng phát triển, đã những bước tiến vượt bậc đáng ghi nhận. Về lĩnh vực kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm năm sau cao hơn năm trước, bình quân 11,5%/năm. Thu ngân sách tại địa bàn 19 tỷ/ năm, bình quân lương thực đầu người 341 kg/ người, thu nhập bình quân đầu người 19 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ đói nghèo đã giảm xuống còn 34,28%. Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng, các tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện đến các xã vùng sâu, vùng xa đã được đầu tư xây dựng bê tông hóa, kiên cố hóa, đảm bảo giao thông đến xã, các thôn, làng hai mùa mưa nắng”.

Lĩnh vực văn hóa – xã hội đã có bước chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể. Giáo dục đào tạo, y tế tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Ông Trịnh Xuân Lộc cho biết thêm: “Về vấn đề xã hội, hiện nay trên địa bàn 12 xã, thị trấn có 37 cơ sở trường học, hầu hết các xã đều có 3 cấp học, mầm non, tiểu học, THCS. Hệ thống trường lớp được đầu tư khang trang, mở rộng, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên đều đạt chuẩn về trình độ, tỷ lệ học sinh đến lớp đúng độ tuổi, đã phổ cập mầm non 5 tuổi, phổ cập THCS. Về lĩnh vực y tế, trên địa bàn hiện nay có 1 phòng khám trung tâm, 2 phòng khám khu vực và 12 trạm xá ở 12 xã, thị trấn. 100% trạm y tế xã có bác sỹ  khám chữa bệnh cho nhân dân”.

40 năm qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, huyện Đăk Glei đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từng bước đưa Đăk Glei phát triển về mọi mặt. Đó cũng chính là nền tảng, động lực quan trọng để huyện phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đã đề ra.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *