(kontumtv.vn) – Phát huy  hiệu quả đạt được trong những năm qua, huyện Đăk Hà đã có nhiều giải pháp để tăng cường và mở rộng mối liên kết “Bốn nhà” –  giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà đầu tư và nhà nông nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân, đáp ứng nhu cầu  phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

hdhdm4n

Hội nghị đánh giá kết quả liên kết “Bốn nhà” ở huyện Đăk Hà.

Trong buổi gặp mặt “Bốn nhà” nhân dịp đầu Xuân Giáp Ngọ vừa qua, Đăk Hà đã giới thiệu với các đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học tại xã Đăk La. Mô hình được triển khai trong năm 2013, vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, vừa ngăn ngừa các bệnh dịch trong chăn nuôi heo. Ông Nguyễn Hồng Phong, hộ chăn nuôi heo trong xã cho biết: Nhờ huyện hỗ trợ kỹ thuật, tôi làm thấy rất hiệu quả, phân heo thải ra tự phân hủy, giảm được mùi hôi thối, rất hợp vệ sinh. Đối với những nơi đông người thì làm mô hình đệm lót là rất tốt.

Theo đánh giá tại Hội nghị sơ kết thực hiện mối liên kết “Bốn nhà” năm 2013 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2014, trong năm qua huyện Đắk Hà đã thu hút, mở rộng mối liên kết “Bốn nhà” để đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Huyện đã tập trung hướng các hoạt động liên kết để hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống lúa, ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, tổ chức sản xuất cà phê sạch, chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học, huy động nguồn vốn cho nhân dân để đầu tư sản xuất nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân. Ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ nhiệm HTX rau sạch tổ dân phố 5, thị trấn Đăk Hà phấn khởi:  Sản xuất đặc thù của HTX tôi là rau an toàn, trong năm qua, được sự giúp đỡ của huyện, HTX đã áp dụng nhà lưới, hệ thống tưới tự động và dùng các chế phẩm sinh học trong sản xuất, nên năng xuất rất cao, rất hiệu quả về kinh tế.

  Trong năm qua, với sự hỗ trợ của huyện và các doanh nghiệp, số hộ sử dụng chế phẩm sinh học trong chăm sóc các loại cây trồng ngày càng tăng, nhất là trên cây lúa nước, cà phê, cao su, cây sắn, góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu tư và cải tạo vườn cây. Năng suất lúa bình quân của các hộ sử dụng chế phẩm sinh học cao hơn 3 – 4 tạ/ha, giảm lượng phân bón 20-30%. Đối với cây cà phê, năng suất tăng hơn 2 tấn quả tươi/ha, giảm chi phí đầu tư 30% so với các hộ không sử dụng chế phẩm sinh học trên cùng một khu vực. Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với các ngành của tỉnh, các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà, thực hiện sản xuất, chế biến cà phê theo quy trình sản xuất cà phê sạch và bền vững; triển khai thử nghiệm nhiều mô hình cây con mới, như mô hình hoa Ly, hoa Lan Hồ Điệp, cá Diêu Hồng, cá bống tượng … góp phần nâng cao thu nhập, tiêu thụ sản phẩm nông sản của nhân dân được tốt hơn. Ông Phạm Đức Hạnh, Bí thư Huyện ủy Đăk Hà cho biết: Trong năm 2013 và tiếp theo năm 2014, Huyện đã ký kết triển khai chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực như sản xuất  giống lúa và các loại cây trồng, kể cả vật nuôi và thực hiện phân bón hữu cơ công nghệ cao để giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho người dân và giảm thoái hóa đất đai bằng phân vô cơ. Đặc biệt chúng tôi đã đặt vấn đề và các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công ứng dụng công nghệ nanô trong chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm, được các nhà đầu tư áp dụng vào chế biến ở các nhà máy trên địa bàn, thực hiện mục tiêu xuất khẩu được hàng hóa ra các thị trường lớn trên thế giới theo tiêu chuẩn của quốc gia và quốc tế.

Gặp mặt các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư và nhà nông nhân dịp đầu Xuân năm mới, từ lâu đã trở thành truyền thống hàng năm của huyện Đăk Hà. Ngoài việc đánh giá những kết quả đã đạt được, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, đơn vị có nhiều thành tích, đóng góp trong năm qua, đây là dịp để “Bốn nhà” cùng trao đổi, chia sẻ thông tin, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, tiếp tục ký kết, triển khai các chương trình liên kết mới để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Có thể thấy mối liên kết “Bốn nhà” của huyện Đăk Hà trong những năm qua đã phát huy hiệu quả tốt và không ngừng được quan tâm mở rộng, tăng cường, góp phần đáng kể trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trên địa bàn, nâng cao đời sống cho nông dân và xây dựng huyện Đăk Hà ngày càng vững mạnh.

                                                                    Quang Mẫn – Công Luận

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *