(kontumtv.vn) – Đối với đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đăk Hà (Kon Tum), đan lát là nghề truyền thống đã gắn liền với bà con từ rất lâu đời. Bằng đôi tay khéo léo, tỉ mỉ, bà con đã biến những vật liệu tự nhiên như tre, nứa, mây, sâm lũ… thành những chiếc gùi, nia, rổ, rá… để làm phương tiện phục vụ cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Để giúp người dân địa phương có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, lưu giữ và duy trì được nét truyền thống của dân tộc, xã Đăk Ui đang thực hiện lộ trình khôi phục nghề đan lát theo hướng sản xuất hàng hóa.

Một trong những người làm nghề đan lát lâu năm nhất ở xã Đăk Ui là ông A Đêng. Từ nhỏ ông đã được dạy nghề đan lát. Ông có thể đan được các sản phẩm như nong, nia, sàng, bồ đựng gạo… Mọi công đoạn ông đều tự làm một mình, từ lên đồi chặt tre đến phơi tre, chẻ nứa, đan lát… Hồi còn trẻ, rừng tre còn nhiều, ông dễ dàng làm được nhiều sản phẩm, vừa để phục vụ gia đình, vừa để trao đổi lấy lương thực. Nay đã ngoài 70 tuổi, ông là một trong số ít người vẫn thường tranh thủ khoảng thời gian rảnh rỗi để tự làm các vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Mặt khác, do nguồn nguyên liệu tự nhiên dần bị thu hẹp nên nghề đan lát tại xã cũng có nguy cơ mai một, số người biết đan lát hiện còn rất ít, chủ yếu là người già. Công việc đan lát chỉ là nghề phụ của người dân khi xong mùa vụ hoặc khi mùa mưa kéo dài, không thể đi làm ruộng, làm rẫy. Để làm ra một sản phẩm đan lát hoàn chỉnh phải mất nhiều thời gian. Ông A Đêng nói: “Bây giờ nếu theo ngày công mà bọn tôi làm thì không ai chấp nhận, không ai mua. Làm cái này thì nó rất nhiều công, nên mình chỉ tính sao cho phù hợp sản phẩm của mình để dễ tiêu thụ thôi, giúp cho bà con thôi. Ví dụ như một cái gùi này nếu quen thì chỉ lấy 200.000đ đến 250.000đ”.

DAK HA DUY TRI NGHE DAN LAT

Để khôi phục, duy trì nghề đan lát, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Đăk Ui đã thành lập Tổ hợp tác đan lát với trên 20 người. Theo đó, Tổ hợp tác sẽ nhận đặt hàng từ người có nhu cầu, các cơ sở dịch vụ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hoạt động của Tổ hợp tác cũng chỉ dừng lại ở tính thời vụ. Việc mở rộng quy mô và sản xuất nhiều sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Ông A Bốn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Ui cho biết: “Chúng tôi đang tập trung xây dựng thêm nhiều tổ hợp tác đan lát nữa để tập trung những người có tay nghề về làm thành một đầu mối để tìm những sản phẩm nào khách ưa chuộng, những nơi người ta ưa chuộng thì chúng tôi về giúp cho tổ hợp tác này để cho họ có hướng làm sao cho nó mang tính chất có nhiều sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu khi mình tìm được đầu ra”.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp, đặc biệt là thành công trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Lễ ra mắt các sản phẩm đặc trưng của huyện Đăk Hà tổ chức đầu tháng 6/2018, nhưng hiện việc phát triển nghề đan lát tại Đăk Ui còn không ít khó khăn. Ông A Đêng nói: “Chúng tôi không phải là không muốn làm, nhưng do thị trường không có đầu ra. Mình không biết bán cho ai. Làm nhiều thì sợ ế, không có ai mua. Nếu Nhà nước quan tâm tìm kiếm thị trường để có đầu ra cho sản phẩm thì chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và duy trì cái nghề này. Cần thiết thì chúng tôi sẽ thu hút lớp trẻ bây giờ tham gia”.

“Cũng mong muốn là huyện, tỉnh sẽ có những nơi để đưa sản phẩm này ra trưng bày, giới thiệu, để những cái nơi nào tiêu thụ được thì người ta đặt hàng, lúc bấy giờ sẽ có cơ hội nhiều hơn, thuận lợi nhiều hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con”. Ông A Bốn nói.

Khôi phục, gìn giữ nghề truyền thống hiện đang là vấn đề được rất nhiều địa phương quan tâm, thực hiện. Vì nó không chỉ tận dụng, phát huy được các lợi thế tự nhiên của địa phương, tạo công ăn việc làm, thêm nguồn thu nhập cho người dân, mà còn góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Song để nghề đan lát ở Đăk Ui được duy trì, thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhiều thế hệ tham gia cần có sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương để những nghề truyền thống không bị mai một theo thời gian.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *