(kontumtv.vn) – Sau khi kiểm tra thực tế tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông, ngày 12/3, đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do bà Triệu Thị Nái – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm trưởng đoàn, đã làm việc với UBND tỉnh Kon Tum về tình hình triển khai và kết quả bố trí dân cư các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, theo Quyết định 193/2006/QĐ- TTg  của Thủ tướng Chính phủ.

hdntgs

Ông Nguyễn Hữu Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum báo cáo với Đoàn công tác.

Căn cứ vào quyết định 193 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, giai đoạn 2006 – 2015 tỉnh Kon Tum lập 11 dự án bố trí, sắp xếp dân cư cho 16.600 hộ, hơn 66.000 nhân khẩu và giải quyết nhu cầu đất đai hơn 32.000 ha, tổng số vốn trên 4.600 tỷ đồng. Kết quả từ năm 2006 – 2013, tỉnh đã bố trí, sắp xếp dân cư gần 5.700 hộ, hơn 17.400 nhân khẩu, đạt hơn 34%, với tổng số vốn đã đầu tư hơn 193 tỷ đồng, đạt trên 4% so với dự án. Công tác tổ chức di dời các hộ dân đến nơi ở mới thực hiện kịp thời, an toàn, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản nhân dân trong mùa mưa lũ hàng năm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình, một số địa phương chưa bố trí đủ đất sản xuất, đất ở cho các hộ dân; việc bố trí dân cư chưa theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới…

Tại buổi làm việc, Bà Triệu Thị Nái và các thành viên trong đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội  đã ghi nhận những kết quả đạt được và chỉ ra một số hạn chế trong việc bố trí, sắp xếp dân cư tại tỉnh Kon Tum, đó là: Một số công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng tại các điểm dân cư chưa đưa vào sử dụng. Có những công trình đã bị hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa. Công tác kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư chưa thường xuyên. Một số nhà dân đã được Nhà nước đầu tư xây dựng nhưng người dân không chuyển đến ở và họ tự ý đập phá để lấy vật liệu. Người dân tại các vùng dân cư còn trông chờ, ỷ lại Nhà nước, chưa có ý thức nỗ lực vươn lên để thoát nghèo, xây dựng cuộc sống đầy đủ hơn… Bà Triệu Thị Nái đề nghị: Trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum cần rà soát lại còn bao nhiêu đối tượng, bao nhiêu điểm dân cư cần phải bố trí, sắp xếp để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo và phải chỉ đạo quyết liêt hơn để hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2006-2013. Cần xây dựng mô hình điểm, gắn với xây dựng nông thôn mới, học tập các nơi làm tốt, cầm tay, chỉ việc để nhân dân làm theo.

Bà Triệu Thị Nái cũng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Kon Tum để trình lên Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành xem xét một số nội dung như: Việc bố trí vốn theo nhu cầu của địa phương, quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng ở vùng Tây Nguyên.

 

                                                                   Thu Thủy – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *