(kontumtv.vn) – Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, xã biên giới Mô Ray, huyện Sa Thầy đã có nhiều khởi sắc về kinh tế, xã hội, đời sống người dân từng bước được cải thiện và nâng cao, an ninh quốc phòng luôn được đảm bảo.

Được sự đầu tư, quan tâm của Nhà nước, đến nay, 125 hộ dân tộc đặc biệt ít người Rơ Mâm ở làng Le, xã Mô Ray đã có đời sống ổn định, ngày càng phát triển. Ngoài việc được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống đường bê tông, nước sinh hoạt và điện chiếu sáng, đa phần các hộ dân trong làng đều được hỗ trợ có nhà cửa kiên cố, khang trang với đầy đủ tiện nghi phục vụ cho đời sống, sinh hoạt. Đáng chú ý, bà con trong làng đã trồng được gần 100 ha cao su, trên 120 ha  mỳ và lúa nước 2 vụ. Làng Le giảm khoảng 15 hộ nghèo mỗi năm. Ông A Dói (làng Le, xã Mô Ray) nói: “Trước năm 1975 làng phải di dời nhiều noi. Trước chỉ biết phát nương làm rẫy, trồng lúa, không biết vụ đông xuân thế nào, cơ cấu cây trồng ra sao. Sau giải phóng, dời làng mới, đến năm 1999 – 2000 thì bà con đã biết cơ cấu cây trồng, thứ 2 là làm ruộng lúa nước, xóa được đói, giảm được nghèo, cho nên rất phấn khởi”.

Nông thôn mới xã Mô Ray
Nông thôn mới xã Mô Ray

 Sau 40 năm đất nước thống nhất, xã Mô Ray, huyện Sa Thầy đã trở thành vùng chuyên canh cây cao su lớn nhất tỉnh. Trong đó, cao su tiểu điền đạt hơn 300 ha, mở ra hướng đi mới về xóa nghèo bền vững cho nhân dân. Ông Hrách Láo, Chủ tịch UBND xã Mô Ray cho biết: “Xưa kia Mô Ray là xã vùng sâu vùng xa, xã đặc biệt khó khăn, nhưng từ khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước, Công ty 78 là doanh nghiệp Nhà nước đến đặt chân tại địa bàn xã Mô Ray, vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo quốc phòng an ninh. Từ đó, bà con dần dần học tập theo các chủ trương như phát triển kinh tế, trồng cây cao su. Hiện nay bà con đã áp dụng được khoa học kỹ thuật, trồng được nhiều cao su và cũng từng bước ổn định đời sống”.

Cùng với đó, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước như Chương trình giao khoán, quản lý bảo vệ rừng, Chương trình 135, 168, 102 đã góp phần tích cực giúp các hộ khó khăn vươn lên trong đời sống. Từ sự huy động các nguồn lực, đặc biệt là doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, đến nay người dân xã Mô Ray đã được hỗ trợ nguồn giống, phân bón và tiếp cận khoa học kỹ thuật, nhận thức canh tác trong nhân dân có bước thay đổi đáng kể; công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc tiếp tục được chú trọng. Ông Hrách Láo cho biết thêm:“ Về giáo dục, từng bước đưa con em học hành ổn định. Từ khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước, xã cũng đã phát động các phong trào như giữ gìn lễ hội, cồng chiêng, chúng tôi cũng giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc”.

Mặc dù số hộ nghèo vẫn còn cao, chiếm tỉ lệ 41%, nhưng với sự đồng thuận cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, Mô Ray sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đáp ứng với mong muốn và nguyện vọng của nhân dân.

Tấn Thành – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *