Thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIII về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2008-2015, nhất là sau khi có Quyết định 85 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, thời gian qua, các cấp, ngành huyện Đăk Glei đã huy động các nguồn lực đầu tư mở rộng các mô hình bán trú, đặc biệt là ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng giáo dục nơi đây.

dgl

Lớp học ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Như nhiều học sinh khác, em Y Hồng, học sinh lớp 8 Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei đã tiến bộ rất nhiều kể từ khi được ở bán trú. Nhà Y Hồng ở làng Đăk Bối, cách trường hơn 7 km đi lại rất khó khăn, chưa có điện. Những năm trước đây, mặc dù rất ham học, nhưng vì điều kiện quá khó khăn nên em học chỉ ở mức trung bình. Hai năm qua, nhờ điều kiện học tập thuận lợi, Y Hồng đã vươn lên đạt học sinh giỏi của Trường. Em cho biết: Trước đây, khi có mưa thì nước ngập rất to, làng ở xa, cháu không đi học. Có khi nước ngập to quá thì chúng cháu nghỉ ở nhà. Được ở nội trú thì chúng cháu không còn lo khi mùa mưa bão, được đi học sớm, được ăn no, mặc ấm và chúng cháu ra trường rất là sớm để quét dọn.

Điều kiện ăn, ở tại trường thuận lợi, có bạn bè đông vui và đặc biệt ngoài các giờ học chính khóa vào buổi sáng, các em học sinh còn được các thầy, cô giáo phụ đạo các môn toán và tiếng Việt vào buổi chiều và học nhóm nên việc học tập tiến bộ hơn trước rất nhiều.  Em Y Sơn – Lớp 8A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Mường Hoong, huyện Đăk Glei cho biết: Tối thì bọn cháu học bài, rồi 9 giờ đi ngủ. Ở bán trú thì rất thuận lợi cho việc học tập. Trong việc học tập, lúc cháu không biết thì hỏi bạn bè, cùng giúp đỡ nhau, rồi cùng học nhóm.

Nhờ ổn định về mọi mặt kể từ khi chuyển đổi sang mô hình trường dân tộc bán trú, chất lượng giáo dục của Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Hoong đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trao đổi về vấn đề này thầy giáo Lê Đình Huy- Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú- Trung học cơ sở xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei cho biết: Trước kia, nhà trường dao động số học sinh giỏi rất hạn chế, thường thường không đạt chỉ tiêu đề ra, thường thường một năm chỉ 2-3 em. Năm học 2012- 2013, số lượng học sinh giỏi ở các lớp tăng 5-6 em.

Hiện nay, huyện Đăk Glei đã có 19 trường tổ chức bán trú cho học sinh, trong đó có 7 trường ở các xã vùng sâu, vùng xa được chuyển đổi thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú, với tổng số học sinh bán trú được phê duyệt gần 1.600 em. Ngoài các cơ sở vật chất phục vụ cho việc ăn ở, mỗi học sinh còn được hỗ trợ 460.000 tiền ăn/tháng. Đây là một trong những chính sách mang tính đột phá, giúp cho các trường ở vùng sâu vùng xa có điều kiện làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp, hạn chế tối đa số học sinh bỏ học, tạo chuyển biến đáng kể trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Cô giáo Nguyễn Thị Thương – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Glei cho biết thêm: Mô hình này thì chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cũng được tổ chức nhiều hơn so với trước đây và duy trì sĩ số học sinh đối với Tiểu học thì đảm bảo 100%. Đối với THCS thì việc phụ đạo cho học sinh yếu kém có nhiều thuận lợi. Duy trì sĩ số học sinh trên 95% hàng năm. Tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh trung học cơ sở đạt 100%.

Từ kết quả đó, việc thực hiện mô hình bán trú luôn được các cấp quan tâm, đặc biệt là huy động các nguồn lực giúp đỡ nhà trường giải quyết khó khăn ban đầu về cơ sở vật chất, tích cực đóng góp để tạo điều kiện cho các em được ăn, ở tại trường. Ông Nguyễn Phúc Phận – Bí thư Huyện ủy Đăk Glei cho biết: Trước đây học sinh các cháu ở thôn làng xa thường hay bỏ học, hoặc là đi học không thường xuyên. Nhờ mô hình bán trú cho các cháu ăn ở tại chỗ, rồi có sự giúp đỡ của thầy cô giáo, kể cả cán bộ tham gia nữa. Một số cán bộ, nhân viên vào đây để nuôi dạy các cháu, cho nên tỷ lệ học sinh duy trì tốt.

Mặc dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng đến nay, phần lớn cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bán trú ở Đăk Glei vẫn còn thiếu nhiều, nhất là về phòng ở, nhà ăn, nhà bếp, phòng vệ sinh, nước sinh hoạt cho học sinh. Trong tổng số gần 1.600 học sinh nội trú có hơn 600 em phải thuê nhà ở ngoài trường. Việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị cần thiết để phục vụ nhu cầu ăn ở, học tập, vui chơi cho các em đang được các cấp, các ngành huyện Đăk Glei quan tâm, nhằm phát huy hiệu quả của mô hình này./.

Quang Mẫn – Duy Phong/kontumtv.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *