(kontumtv.vn) – Trong tuần làm việc thứ 4 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, từ ngày 09/6 đến ngày 13/6, Quốc hội đã dành 2,5 ngày để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với 04 vị bộ trưởng, trưởng ngành và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã chất vấn bằng văn bản  các Bộ trưởng về một số vấn đề cử tri trong tỉnh quan tâm. Các Bộ cũng đã có nội dung trả lời bằng văn bản.

Về các giải pháp căn cơ để khắc phục tồn tại của ngành Nông nghiệp trong những năm qua như tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, giá đầu vào của nông sản cao, nhiều sản phẩm do nông dân làm ra giá cả bấp bênh, những yếu kém cố hữu của nông nghiệp chậm được khắc phục (sản xuất nông hộ nhỏ, cơ sở hạ tầng yếu kém, suy giảm nguồn lực…), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có văn bản trả lời, nội dung:  Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Đồng thời, Bộ NN&PTNT  đã và đang nỗ lực phối hợp với các bộ liên quan đàm phán mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường các nước, đấu tranh tháo gỡ rào cản ở thị trường các nước, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chế biến, xuất khẩu, khuyến khích phát triển liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Về giải pháp khắc phục tình trạng suy giảm hạnh kiểm trong học sinh phổ thông theo thời gian cấp học, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực và cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” nhằm định hướng giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh;  đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh theo hướng coi học sinh làm chủ thể của quá trình rèn luyện, đẩy mạnh việc tự rèn luyện của mỗi học sinh; coi trọng các hoạt động trải nghiệm thực tế, xây dựng môi trường ứng xử theo các chuẩn mực đạo đức của người học để hình thành ý thức, thói quen, phẩm chất và năng lực của người công dân tương lai; giáo dục ý thức trách nhiệm công dân đối với  bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giá trị cho học sinh phổ thông, coi đó là hành trang để các em hòa nhập với môi trường nhà trường, xã hội; chú trọng tích hợp vào các môn học, các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường phổ thông; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao nhằm tăng cường giáo dục thể chất và tinh thần cho học sinh, hướng học sinh đến các hoạt động tập thể lành mạnh, văn minh; tăng cường sự phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội tạo sự nhất quán, trong giáo dục học sinh. Chủ động phối hợp với các bộ và các đoàn thể xây dựng chương trình, hành động phối hợp để tạo ra nhiều sân chơi nhằm tăng cường công tác giáo dục đạo đức học sinh. Phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và trình Chính phủ thông qua Đề án “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn từ nay đến 2020”.

Về giải pháp tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sởi, chân tay miệng, sốt xuất huyết…, trong thời gian tới Bộ Y tế  sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp sau: Thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và phối hợp với các cơ quan báo chí chuyển tải những biện pháp phòng bệnh tới người dân; chủ động triển khai các biện pháp giảm mắc như chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế tập trung vào việc tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước để phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch để phòng, chống dịch lan rộng trong cộng đồng; thường xuyên cập nhật các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên phát động chiến dịch vệ sinh môi trường kết hợp với phun hóa chất; tổ chức các chiến dịch rửa tay xà phòng phòng chống bệnh tay chân miệng và các bệnh dịch đường tiêu hóa; tổ chức các chiến dịch tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin sởi, vận động người dân đi tiêm các vắc xin phòng bệnh thường xuyên trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như tiêm chủng dịch vụ nhằm chủ động giảm các nguy cơ mắc bệnh tại cộng đồng. Thực hiện các biện pháp giảm quá tải bệnh viện, giảm tử vong như chỉ đạo quyết liệt các cơ sở y tế thực hiện phân tuyến điều trị, phân luồng tiếp nhận khám thu dung, điều trị bệnh nhân; tăng cường thực hiện các biện pháp cách ly, chống lây nhiễm tại bệnh viện; điều động những bác sỹ có kinh nghiệm hỗ trợ các địa phương, thiết lập các bệnh viện vệ tinh để thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tăng cường vai trò của chính quyền các cấp trong quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn như yêu cầu các đơn vị trong ngành Y tế từ trung ương đến địa phương chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho UBND các cấp triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội trong việc vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh một cách hiệu quả.

Tống Quang Vinh

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Kon Tum

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *