(kontumtv.vn) – Ngày 6/9, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác. Hội nghị vinh dự được tiếp đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và phát biểu chỉ đạo.

Dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Đăk Nông, Gia Lai; các doanh nghiệp trong và ngoài nước

Về phía tỉnh Kon Tum có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng; Phó Bí Thường trực Tỉnh ủy Y Mửi; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh A Pớt; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các huyện, thành phố và một số sở, ngành liên quan.

HOI NGHI DAU TU PHAT TRIEN SAM NGOC LINH KON TUM VA CAC DUOC LIEU KHAC

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng đã giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của tỉnh Kon Tum, đặc biệt là tiềm năng về sâm Ngọc Linh và dược liệu trên địa bàn. Diện tích đất nông nghiệp và đất chưa sử dụng của tỉnh chiếm 94% tổng diện tích tự nhiên với khoảng gần 900.000 ha, độ che phủ rừng tự nhiên của tỉnh đạt trên 62%. Kon Tum có tiềm năng, thế mạnh về rừng, đất lâm nghiệp và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển các loài dược liệu tự nhiên với hơn 830 loài dược liệu phân bố trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều loài dược liệu quý, hiếm được sử dụng để tạo ra các sản phẩm thuốc, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám chữa bệnh và có giá trị kinh tế cao như  sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, nghệ vàng, ngũ vị tử…

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để tổ chức triển khai thực hiện.

Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Kon Tum phát triển khoảng 2.000 ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với một số loài dược liệu có giá trị kinh tế và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường, trong đó có ít nhất 1.000 ha sâm Ngọc Linh. Đến năm 2030, nâng tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha. Trong đó có khoảng 10.000 ha sâm Ngọc Linh; mỗi năm ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh và phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia trong thời gian tới. Hội nghị lần này là cầu nối để đẩy mạnh giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và nhiều loài dược liệu khác. Thông qua hội nghị này, tỉnh Kon Tum mong muốn nhận được nhiều ý kiến quý báu của các bộ, ngành Trung ương, của các nhà khoa học, nhiều doanh nghiệp và tổ chức quốc tế. Đồng thời qua đây sẽ có nhiều dự án để bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và nhiều loại dược liệu trên địa bàn.

Sau khi nghe các báo cáo, tham luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển cây dược liệu, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, có thế mạnh, giá trị kinh tế cao. Thủ tướng khẳng định sâm Ngọc Linh Kon Tum chính là quốc bảo: “Nếu nói sức khỏe là vàng thì sâm Ngọc Linh còn quý hơn vàng vì ngoài những giá trị về sức khỏe, còn ẩn chứa những tiềm năng kinh tế to lớn, đồng thời là cơ hội để khẳng định niềm tự hào dân tộc, tương tự như người Hàn Quốc đã làm với nhân sâm. Theo các nghiên cứu gần đây, thân, rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh Việt Nam có chứa đến 52 hợp chất saponin có tính kháng khuẩn, kháng ung thư, a-xít béo…, trong đó một nửa, tức là 26 hợp chất saponin có thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật, sâm Trung Quốc; còn lại 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác. Chính vì vây, Thủ tướng đến Kon Tum với niềm tin chúng ta có thể đưa “quốc bảo” sâm Ngọc Linh thành “quốc kế dân sinh”, là hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, hiện là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và cả Trung Quốc”.

Thủ tướng cho biết, các sản phẩm, chế phẩm từ sâm Ngọc Linh trong tương lai sẽ góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân và tăng thu ngân sách nhà nước. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương, địa phương, trong đó có tỉnh Kon Tum cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ, nghiêm túc, có hiệu quả nhằm tạo tính đột phá trong chiến lược phát triển sâm Ngọc Linh; chú trọng công tác bảo tồn nguồn gen thuần chủng, kiên quyết đấu tranh với tình trạng sâm giả trên thị trường; từng bước nâng tầm giá trị của y học và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, khi đạt được các điều kiện về sản lượng, quy mô, cần phát triển sâm Ngọc Linh thành các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Thủ tướng nói: “Với tiềm năng sản phẩm, thị trường và giá trị của sâm Ngọc Linh, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam. Mục tiêu không phải là một vài chục tỉ đồng sau mỗi phiên chợ mà phải tiến tới mục tiêu tỷ đô la giá trị sản xuất và xuất khẩu trong những thập niên tới. Điều này hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào dự báo thị trường nhân sâm quốc tế với mức tăng trưởng rất cao”.

Thủ tướng đồng ý để tỉnh Kon Tum nghiên cứu lập Đề án hình thành khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung với quy mô lớn; thống nhất cho Kon Tum thực hiện thí điểm sử dụng môi trường rừng, đất dưới tán rừng để trồng dược liệu, tuy nhiên phải bảo đảm nghiêm ngặt việc duy trì, bảo vệ môi trường rừng.

Thủ tướng đề nghị tỉnh Kon Tum cần phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh về dược liệu để đưa ra các giải pháp cụ thể, hình thành vùng trồng, chế biến dược liệu tập trung của quốc gia, coi đây thực sự là một lĩnh vực mũi nhọn chiến lược cần đặc biệt ưu tiên phát triển.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *