(kontumtv.vn) – Cùng với việc đôn đốc, hỗ trợ người dân trồng các loại cây vụ mùa năm 2018, huyện Tu Mơ Rông đã tập trung các giải pháp để phát triển cây trồng chủ lực trên địa bàn, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch chỉ tiêu đề ra.

Trong vụ mùa năm nay, huyện Tu Mơ Rông đã tiến hành gieo trồng được 1.260 ha lúa nước, gần 640 ha cây lúa rẫy, hơn 400 ha cây ngô, 1.880 ha cây sắn, 43 ha cây bời lời, đạt và vượt kế hoạch được giao.

Riêng đối với các loại cây chủ lực trên địa bàn như cà phê và cây dược liệu vẫn chưa hoàn thành kế hoạch đề ra. Cụ thể, người dân đã trồng mới được 133 ha cây cà phê, đạt hơn 71% kế hoạch; cây sâm dây trồng mới được 12 ha, đạt 55% kế hoạch; cây đương quy trồng mới được gần 5 ha, đạt 22% kế hoạch; cây sâm Ngọc Linh trồng được 0,4, đạt 9,5% kế hoạch.

HUYEN TU MO RONG DAY NHANH TIEN DO SAN XUAT VU MUA 2018

Kinh phí để thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh của tỉnh trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông trong năm 2018 là trên 7,2 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ người dân trồng mới 146 ha là trên 3,4 tỉ đồng. Hiện nay, huyện đang tổ chức cho nhân dân trồng mới cây cà phê xứ lạnh của đề án, phấn đấu hoàn thành trong tháng 8/2018.

Trong vụ mùa năm 2018, huyện Tu Mơ Rông đã trích kinh phí gần 3,9 tỉ đồng từ các nguồn đầu tư của Nhà nước để hỗ trợ cho người dân phát triển diện tích cây dược liệu trên địa bàn. Cụ thể, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 là khoảng 1 tỉ đồng, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 30a là gần 3 đồng. Ông Nguyễn Văn Đang, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây nói: “Về sản xuất vụ mùa năm 2018, trên địa bàn xã đã triển khai đến thời điểm hiện tại cơ bản diện tích cấy vụ mùa đã vượt chỉ tiêu kế hoạch giao, các diện tích cây trồng như cà phê, các cây trồng khác, cây dược liệu đang tiến hành triển khai các mô hình, dự án theo các chương trình sản xuất, hiện tại đã đạt được gần 80%. Trong thời gian tới tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các thôn cũng như nhân dân để tiến hành vụ mùa theo kế hoạch, chỉ tiêu đề ra”.

“Hiện nay, để phát triển cây dược liệu trên địa bàn thì huyện đang xây dựng các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với người dân để phát triển tập trung các vùng dược liệu đẳng sâm cũng như đương quy. Ngoài ra, UBND huyện cũng kêu gọi các doanh nghiệp có nguyện vọng và tâm huyết đầu tư  thì huyện cũng giới thiệu quỹ đất ở các xã, mục tiêu của huyện là để các doanh nghiệp liên kết với các hộ dân phát triển vùng dược liệu có đầu ra ổn định. Ngoài liên kết thì UBND huyện cũng đang tìm quỹ đất để xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao để tập trung phát triển cây dược liệu”. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết.

Phấn đấu đến năm 2020, huyện Tu Mơ Rông trồng được 500 ha cây sâm Ngọc Linh, 250 ha cây sâm dây, 50 ha cây sơn tra, 15 ha cây đương quy, 6, 5ha cây ngũ vị tử và 7,5 ha cây sa nhân tím. Ông Vương Văn Mười cho biết: “Trong năm 2018- 2020, Huyện ủy chỉ đạo tập trung phát triển cây dược liệu, UBND huyện cũng đã có kế hoạch. Trong thời gian tới, thứ nhất là tận dụng các nguồn vốn phát triển sản xuất của các chương trình để hỗ trợ giống cho bà con, hai là tuyên truyền, vận động bà con bỏ nguồn kinh phí tự có để tập trung phát triển vùng dược liệu, thứ ba là kêu gọi doanh nghiệp vào địa bàn, giới thiệu quỹ đất để các doanh nghiệp liên kết các hộ dân để phát triển cây dược liệu. Mục tiêu là đến năm 2020 phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015- 2020 của huyện”.

Việc tập trung phát triển cây trồng chủ lực như cây cà phê và cây dược liệu sẽ là giải pháp hiệu quả để người dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *