(kontumtv.vn) – Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc Xê Đăng, huyện Tu Mơ Rông đã được gìn giữ và phát huy. Các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được xoá bỏ và  thay vào đó là  nếp sống văn hoá mới.

Với già làng A Néo (thôn Tu Mơ Rông, xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông) bộ cồng chiêng già đang lưu giữ là vô giá, vì nó đã gắn bó với già 57 năm qua. Năm 1957, để có được bộ cồng chiêng này, già đã phải đổi mất 1 con trâu. Không chỉ là vật gắn bó thân thiết, bộ cồng chiêng quý  còn  là đứa con tinh thần của già. Gìa A Néo kể: “Ông già giữ gìn, bởi vì một là giữ truyền thống của dân tộc mình, hai là để lại cho con cháu để con cháu học tập truyền thống dân tộc, lễ hội nào cũng đánh cồng chiêng đây để vui vẻ trong làng, thôn mình”.

XE DANG

Là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, huyện Tu Mơ Rông tập trung đông đồng bào dân tộc Xê Đăng, với nhiều nét văn hoá  truyền thống phong phú, đa dạng. Để gìn giữ và phát huy bản sắc của đồng bào dân tộc Xê đăng, Đảng bộ và chính  quyền huyện Tu Mơ Rông có nhiều  chủ trương, biện pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa vật thể và phi vật thể. Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết  về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc  được quan tâm tăng cường. Ông Nguyễn Xuân Hoành, Trưởng Phòng VHTT huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay nhân dân rất hiểu về mục đích, ý nghĩa việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhân dân đều chấp hành tốt, hiện giờ họ không còn bán những bộ cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc nữa, họ giữ lại để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Một cụ già làng nói chuyện với tôi là một dân tộc nếu mất đi bản sắc văn hóa thì dân tộc đó không còn nữa. Từ ý thức đó mà họ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của  mình”.

Đến nay, huyện  Tu Mơ Rông có 89 bộ cồng chiêng được lưu giữ, trên 50 nghệ nhân biết chỉnh âm thanh cồng chiêng, 15 lễ hội tiêu biểu đặc sắc của dân tộc Xê Đăng đã được thống nhất giữ gìn khôi phục, 57/91 làng có Nhà rông văn hoá, 02 làng có Nhà văn hoá cộng đồng. Song song với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thời gian qua, huyện đã quan tâm đầu tư kinh phí để phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào, hàng năm đều duy trì tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao tại các xã và cụm xã. Ông Nguyễn Xuân Hoành nói: “Đến nay, huyện đã tổ chức được 3 lớp truyền dạy cồng chiêng tại xã Đăk Sao, Măng Ri, và  Đăk Na, một lớp truyền dạy nghệ thuật về dệt ở làng Pu Tá, xã Măng Ri và một lớp đàn hát dân ca dân vũ ở làng Ti Tu, xã Đăk Hà. Hằng năm đều tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, trình diễn nhạc cụ dân tộc và dân ca dân vũ, mục đích là để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, thời gian tới huyện Tu Mơ Rông tiếp tục tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở; nghiên cứu, khôi phục các lễ hội truyền thống, tổ chức truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng, sử dụng các nhạc cụ dân tộc và những làn điệu dân ca, dân vũ … góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *