Nằm ở địa bàn  đồi dốc và có nhiều sông suối nên các xã của  huyện Tu Mơ Rông thường xuyên phải chịu tác hại trực tiếp do bão lũ gây ra. Ảnh hưởng từ các cơn bão  số 8, 9, 10 và số 11 liên tục xảy ra trong thời gian qua nên  các địa phương đang phải khẩn trương khắc phục những thiệt hại tác động đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Mưa to, nước lớn với cường độ lũ mạnh đổ dồn trên suối Đăk Tờ Kan liên tục trong các cơn bão từ số 8 đến số 11 xảy ra trong thời gian qua đã làm ngập úng, bồi lấp không ít diện tích ruộng lúa mùa của các thôn, làng của xã Đăk Tờ Kan. Nặng nhất là  khu vực đồng ruộng gần 1 hecta nằm cách cầu treo vào thôn Tê Xô trong không xa, tuy đã sắp đến kỳ thu hoạch  song đã bị đất, cát  bồi lấp không còn dấu vết. Đáng chú ý hơn, khi đây chưa phải là thiệt hại duy nhất mà đồng bào địa phương phải gánh chịu. Ông A Nhóc-Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Cơn bão số 11 thiệt hại nặng nhất là sạt đường, sạt gần 100m đường vào thôn Tê Xô. Hiện nay chúng tôi đã khắc phục ban đầu vận động bà con mở một đường tránh. Chúng tôi vào thôn họp, người dân đồng tình ủng hộ, đóng góp  một hộ tù 50 đến 100 nghìn để thuê xe múc, múc tạm chỗ sạt lở để có đường bà con vận chuyển tạm. Còn ngoài ra khắc phục cho hoàn chỉnh thì chúng tôi cũng đã làm tờ trình xin chủ trương của huyện, đang chờ  nguồn khắc phục bão lũ của huyện.

kphq

Khắc phục đường sá bị sạt lở.

Ở khu vực làng Long Tro cũ, xã Văn Xuôi, bão số 11 gây mưa to gió lớn làm sạt lở đất trên diện rộng và hư hỏng nhiều nhà dân vốn đã bị thiệt hại từ bão số 9 năm 2009. Sau bão, vợ chồng A Dũng dọn về chỗ ở mới tại khu tái định cư Long Tro. Tận dụng ít cây cột, gỗ ván và lấy thêm tre nữa, A Dũng dựng thêm gian bếp gọn gàng để làm chỗ đun nấu. Làng Long Tro cũ có 48 hộ thuộc diện di dời, nên cùng với gia đình A Dũng, tất cả các hộ đều thống nhất chuyển đến điểm tái định cư mới. Anh A Dũng cho biết:Trước ở bên kia, mưa gió lũ, đất sập. Thì nhà nước cũng quan tâm xây dựng cái nhà ở tại khu dân cư mới này. Đi làm thì hơi xa, cũng vất vả một tý, song gì phải chịu thôi, để mà làm, ráng làm ăn. Ông Cao Minh Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Xuôi, huyện Đăk Tô cho biết thêm: Sau khi bão số 9 thì tháng 10/ 2009, xã đã triển khai, được Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo đã triển khai lồng ghép là nhà cho 48 hộ của thôn Long Tro, mỗi hộ một căn nhà. Sau khi làm xong thì cũng đã triển khai cho bà con về nơi ở mới. Nhưng khu sản xuất ở xa nên người dân ở không đều, chủ yếu là người già và trẻ con ở lại thôi. Còn số lao động chính thì vẫn ở làng cũ để sản xuất. Đến thời điểm hiện nay, sau cơn bão số 11, chính quyền địa phương vào  di dời bà con ra nơi ở mới.

Các cơn bão liên tiếp xảy ra trong nửa cuối tháng 9 đến nửa đầu tháng 10 năm nay đã làm sạt lở, hư hỏng nhiều tuyến đường; gây ngập úng, bồi lấp một số diện tích đồng ruộng; làm tốc mái, hư hỏng một số nhà ở dân cư và các công trình dân sinh khác tại các xã của huyện Tu Mơ Rông. Ước tính riêng tổng giá trị thiệt hại do bão số 11 gây ra gần 5,7 tỷ  đồng. Trong đó, thiệt hại đáng kể nhất là gần 20 tuyến đường bị sạt lở, bồi lấp nhiều đoạn, nhiều đoạn gây ách tắc …Ngay sau bão, hầu hết các đoạn đường đã được khắc phục tạm thời, giải quyết ách tắc. Tuy vậy, cũng đã có không ít công trình giao thông bị hư hỏng nặng đang được huyện đề xuất, kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để sửa chữa cơ bản. Đáng chú ý nhất, là đoạn đường bị sạt lở từ tỉnh lộ 678 vào thôn Tê Xô trong, xã Đăk Tờ Kan, đường tỉnh lộ 678 vào Kon Cung, xã Đăk Sao, đường Tu Mơ Rông- Ngọc Yêu  đoạn qua xã Văn Xuôi…./.

Nghĩa Hà – Ngọc Chí

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *