(kontumtv.vn) – Với quyết tâm xây dựng, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và Liên minh Hợp tác xã tỉnh, trong nhiệm kỳ qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế tập thể, trọng tâm là hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn tâm tư, nguyện vọng của xã viên, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Hợp tác xã
Gấn 100 HTX đã được thành lập trong toàn tỉnh

Được thành lập năm 1998, đến nay Quỹ Tín dụng nhân dân Hòa Bình, thành phố Kon Tum đã phát triển gần 1.500 thành viên tại hai địa bàn xã Hòa Bình và phường Trần Hưng Đạo, trong đó có gần 150 thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Một trong những thành công nhất của Quỹ trong nhiệm kỳ 2008-2013, là đã vượt qua được những khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và những biến động của thị trường tài chính, tiền tệ, duy trì hoạt động ổn định và có bước phát triển khá. Tổng huy động vốn trong năm 2013 tăng gần 3 lần so với năm đầu nhiệm kỳ. Tổng dư nợ cho vay thời điểm cuối năm 2013 trên 15 tỷ đồng, tăng gần 10 tỷ đồng so với năm 2008. Lợi nhuận tăng đều qua các năm. Tỷ lệ chia cổ tức cho thành viên từ 13,5% năm 2008 lên 16,5% trong năm 2013, cao hơn gần 3 lần tiền gửi tiết kiệm.

Hợp tác xã Thần nông, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum có cây trồng chủ lực là thanh long ruột đỏ. Đây là kết quả của quá trình tìm tòi, học hỏi, thử nghiệm qua nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi đặc sản để tìm ra hướng phát triển cho HTX.  Thời gian đầu, tuy gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nhưng với tinh thần quyết tâm, lấy ngắn nuôi dài, sau gần 4 năm thành lập, HTX Thần Nông đã phát triển được 4 ha cây thanh long ruột đỏ trên tổng diện tích 8 ha đất thuê. Hiện tại vườn thanh long của HTX đang sinh trưởng và phát triển tốt, cho quả sai, đạt chất lượng, được thị trường ưa chuộng. Trong vụ thu bói năm thứ hai vừa rồi, đơn vị thu bình quân 3 tấn/ha và dự kiến trong năm tới, khi bắt đầu vào thời kỳ kinh doanh, năng xuất vườn cây có khả năng tăng lên gấp đôi, gấp ba.

Trong định hướng 5 năm tới, ngoài việc phấn đấu phát triển, mở rộng hết diện tích đất hiện có, HTX đang tính đến việc xây dựng thương hiệu để tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các nhà xưởng, kho lạnh để đóng gói và bảo quản nhằm nâng cao giá trị và chất lượng quả; nghiên cứu xây dựng xưởng chế biến rượu vang thanh long, nhằm tận dụng các loại quả nhỏ không đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường để sản xuất rượu vang, nâng cao thu nhập cho xã viên.

Hợp tác  xã Rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen, huyện Kon Plông được thành lập từ đầu năm 2012. Trên  quy mô hơn 30 ha đất sản xuất, đến nay HTX đã xây dựng được 3.000m2 nhà kính, 1.000m2 nhà lưới dùng để trồng trọt và sản xuất các loại rau hoa xứ lạnh. Hai năm qua, HTX đã đưa vào trồng thành công các giống hoa ly, lan hồ điệp, hoa hồng, đồng tiền, dâu tây và một số loại rau đặc sản xứ lạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình sản xuất rau hoa xứ lạnh của HTX đang được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, khuyến khích, nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh của Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, vừa giải quyết việc làm cho thanh niên trong vùng.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã thành lập gần 100 HTX. Riêng trong nhiệm kỳ 2008-2013 đã có 38 HTX được thành lập mới. Hầu hết các HTX mới thành lập đều có nhiều cố gắng, năng động và có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, điều hành, đa dạng trong các hình thức sản xuất kinh doanh, tạo được nét mới trong hoạt động. Số HTX hoạt động có hiệu quả ngày càng tăng. Riêng trong năm 2013, HTX đạt khá, giỏi chiếm trên 60%. Bên cạnh sự phát triển của loại hình HTX, trong nhiệm kỳ qua, các hình thức hợp tác như nhóm hộ, tổ hợp tác đã được nhiều địa phương quan tâm thành lập, kể cả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, trong tổng số 99 THT  có 59 THT được thành lập mới trong nhiệm kỳ và đã có 45 THT thực hiện hợp đồng hợp tác bằng văn bản, có chứng thực của chính quyền xã, phường và có góp vốn hoặc tài sản của các thành viên. Ngoài việc phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất mùa vụ, phát triển các ngành nghề truyền thống, các THT còn liên kết nhau để chế biến, tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó hiệu quả nhất là các THT sản xuất rau sạch, THT cà phê sạch tại Đăk Hà.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi và kết quả đạt được, nhìn chung hoạt động của kinh tế tập thể trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Số HTX, THT hoạt động yếu kém còn nhiều và đến nay đã có 38 HTX giải thể hoặc ngừng hoạt động. Ông Nguyễn Thái Lợi, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nói: “Khó khăn lớn nhất đã ảnh hưởng, chi phối toàn bộ hoạt động của kinh tế tập thể là vấn đề nhận thức. Hiện nay, có một phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa hiểu đúng về vai trò và bản chất của kinh tế tập thể. Thậm chí có lúc có nơi người ta chưa nhận thức được tầm quan trọng và những mặt tích cực của các HTX kiểu mới”

Nguyện vọng của các HTX, THT hiện nay là mong muốn có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để giúp các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, phát huy những lợi thế vốn có của tổ chức kinh tế tập thể để tăng cường thực lực, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Ông Lê Hoàng Anh, Phó Chủ nhiệm HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết đề nghị: “Các HTX đều muốn tồn tại và phát triển bền vững, nhưng trước tiên là cần nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng, các chính sách của Nhà nước hỗ trợ, thì HTX  mới  có thể là đầu tư thu mua nông sản, cung cấp dịch vụ, mua sắm máy móc để phát triển sản xuất”.

Phát huy những kết quả đã đạt được, sớm có giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế, tạo động lực để kinh tế tập thể của tỉnh phát triển đúng hướng đang là nhiệm vụ quan trọng đặt ra trước nhiệm kỳ Đại hội IV của Liên minh HTX tỉnh. Ông Nguyễn Thái Lợi cho biết định hướng của Liên minh HTX tỉnh trong thời gian tới: “Phải tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho các HTX và THT. Có nghĩa là làm thế nào để các HTX, THT được hưởng thụ đầy đủ các chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho họ, tạo cho họ một động lực để  phát triển, vươn lên. Làm tốt công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các tổ chức  đoàn thể chính trị xã hội, cùng với UBND các huyện, thành phố để rà soát, nắm lại những khó khăn của các HTX và từng bước giúp cho các HTX khắc phục những khó khăn đó,  để họ đi lên. Thứ hai là đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ cho các HTX, đặt biệt là có chủ trương cho thành lập Trung tâm Tư vấn và  Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Đó là 2 công cụ để hỗ trợ cho HTX nói riêng và kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh nói chung có tiền đề, có động lực để phát triển nhanh hơn”

Với tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển vững mạnh kinh tế tập thể tỉnh KonTum”, hy vọng sau nhiệm kỳ Đại hội mới, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp theo tinh thần Kết luận 56 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, cũng như Luật Hợp tác xã năm 2012, kinh tế tập thể tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục được phát huy và phát triển bền vững, đáp ứng với yêu cầu và xu thế phát triển hiện nay.

Quang Mẫn- Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *