(kontumtv.vn) – Là 1 trong số huyện nghèo nhất nước, thời gian qua, công tác giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện Kon Plông đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện bằng nhiều giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Với 5 sào đất, trước đây, gia đình anh A Hai (thôn Kon Ke 1, xã Đăk Long) quanh năm lẩn quẩn trong nghèo khó. Nguồn thu của gia đình chủ yếu là từ cây mì kém năng suất. Từ dự án “Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên”- FLITCH, năm 2013, gia đình anh được hỗ trợ cây giống, phân và tiền công chăm sóc 2 sào bời lời. Năm 2014, gia đình tiếp tục được hỗ trợ  1.500 cây cà phê xứ lạnh để trồng trên 3 sào đất từ Đề án phát triển cà phê xứ lạnh theo Quyết định số 33 của UBND tỉnh. Phấn khởi trước sự quan tâm của Nhà nước dành cho gia đình, không kể thời tiết bất lợi do mưa rét, mỗi ngày anh A Hai đều chăm sóc vườn cây để mong sớm được thoát nghèo. A Hai chia sẻ: “Gia đình thuộc hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ giống cà phê xứ lạnh với giống cây bời lời, gia đình tôi cố gắng chăm sóc thật tốt để thoát nghèo, để nuôi con ăn học”.

XOA DOI

Địa hình phức tạp, chia cắt và khí hậu khắc nghiệt quanh năm, nên bài toán thoát nghèo luôn là trăn trở lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Nắm bắt nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, trong năm 2014, huyện Kon Plông đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững. Trong đó, chú trọng khuyến khích người dân vay vốn, đi xuất khẩu lao động  ở nước ngoài, phát triển cây cà phê xứ lạnh, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò và triển khai các mô hình phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương như mô hình trồng tre lấy măng, nuôi heo rừng lai thả vườn, nuôi cá lồng bè, làm chuồng trâu kết hợp với nuôi trùn quế… Anh A Đớt (thôn Kon Ke 2, xã Đăk Long) cho biết: “Gia đình có 6 con trâu, Nhà nước hỗ trợ làm 1 chuồng trâu bằng xi măng, tôn với gỗ, làm cho nó ấm, không có chuồng trâu nó lạnh, dễ bị bệnh”.

Chia sẻ về giải pháp giảm nghèo của xã Đăk Long, ông Trương Ngọc Tuyền, Chủ tịch UBND xã nói: “Trong thời gian qua, thực hiện các nguồn vốn như Chương trình 135 hỗ trợ các công cụ sản xuất cho nhân dân, đặc biệt là hỗ trợ máy cày, máy cắt lúa, Chương trình 30a cũng hỗ trợ máy cày, trâu, bò cho nhân dân. UBND xã đã rà soát số hộ nghèo trên địa bàn để ưu tiên hỗ trợ. Trong năm 2014, xã hỗ trợ 39 con trâu, bò, hỗ trợ cho mỗi hộ dân 10 triệu đồng, cho vay 8 triệu đồng để bà con đối ứng vào mua trâu, bò. Hiện nay chương trình đã hoàn thành. Về Đề án hỗ trợ cà phê xứ lạnh của tỉnh, UBND xã cũng đã triển khai cho nhân dân thực hiện trong năm 2014 được 6,2 ha, bà con đã tiến hành trồng xong và cây cà phê trên đà phát triển tốt”.

Đáng chú ý, triển khai Chương trình 30a của Chính phủ và các chương trình giảm nghèo khác, năm 2014 huyện Kon Plông đã hỗ trợ kinh phí mua 384 con trâu, bò cấp cho các hộ nghèo trên địa bàn. Đến nay, tổng đàn gia súc của huyện đã đạt 25.760 con, tăng 1.870 con so với năm 2013. Công tác phòng chống dịch trên đàn gia súc được triển khai hiệu quả, không để dịch bệnh lớn phát sinh. Ngoài ra, từ các chương trình hỗ trợ cây trồng, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho nhân dân, diện tích cây lâu năm trên địa bàn ngày càng tăng lên, trong đó diện tích cà phê hiện đã đạt 400 ha, cây bời lời gần 1500 ha. Công tác giao khoán cho hộ gia đình, cộng đồng chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Toàn huyện đã có gần 120 lao động nông thôn được học nghề, biết vận dụng các kiến thức đã học vào trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình. Ông Phan Ngọc Vinh, Chủ tịch UBND xã Măng Cành nói: “Qua khảo sát tất cả các chương trình đầu tư, kết luận lại thì trên địa bàn xã hiệu quả nhất là mô hình trồng cây cà phê, vật nuôi thì chăn nuôi trâu rất phát triển, mong muốn của chính quyền địa phương và người dân cũng đề nghị là hướng đầu ra cho 2 sản phẩm này, có doanh nghiệp thu mua ổn định để người dân yên tâm sản xuất để phát triển 2 mô hình này”.

Nhờ tăng cường đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, đến cuối năm 2014,  huyện Kon Plông đã có 470 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo trong năm đạt 8,5%, hiện còn 1.900 hộ nghèo, chiếm 31,5%. Bà Y Thị, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: “Trong thời gian đến, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với chính quyền cơ sở thường xuyên kiểm tra, giám sát các danh mục đầu tư cho các xã, nhất là hỗ trợ đối với người nghèo trên địa bàn xã. Những danh mục đầu tư có hiệu quả thì tiếp tục nhân rộng, những danh mục đầu tư không có hiệu quả thì đề xuất chuyển đối, mà phải phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Đặc biệt huyện rất quan tâm công tác đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn, đối với hộ nghèo để tiếp cận được các kiến thức chăm sóc cây trồng, vật nuôi, có như vậy thì công tác xóa đói giảm nghèo mới bền vững được”.

Mặc dù tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức khá cao, song những giải pháp đầu tư đồng bộ, có tính chiến lược lâu dài của Nhà nước trên địa bàn huyện Kon Plông đã và đang từng bước phát huy hiệu quả, là động lực để người dân ổn định  cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *