(kontumtv.vn) – Dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh Kon tum đã có nhiều cố gắng, nỗ lực. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của họ được đánh giá cao, được ứng dụng trong cuộc sống…góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Có thâm niên hơn 20 năm trồng mía nhưng ông Ngô Văn Phòng (phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum) chưa bao giờ hài lòng với đồng mía của gia đình như lúc này. 40 ha mía đang kì sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn thêm một vụ mía thắng lớn. Trước đây, mỗi ha mía sau khi trừ chi phí gia đình ông thu về khoảng 20 triệu đồng, vụ mía vừa rồi sau khi trừ chi phí, ông thu lãi 35 triệu đồng. Ông cho biết: “Trong quá trình trồng giống mới là giống K8892, gia đình thấy rằng năng suất mía cao gấp đôi năng suất giống mía địa phương là MI5514. Riêng gia đình tôi thấy giống mía này hoàn toàn phù hợp với chân đất Kon Tum ở vùng ô, thứ nhất nó chịu hạn, thứ hai năng suất cao gấp 2 lần so với giống bình thường, không bị sâu bệnh”.

Mô hình
Giống mía mới cho năng suất cao

Tỉnh Kon Tum có khoảng hơn 20.000 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản, song hiện chỉ có 1.600 ha được khai thác sử dụng, với sản lượng khai thác 640 tấn/ năm. Đây là con số khiêm tốn so với tiềm năng hiện có. Lâu nay, người dân chỉ khai thác nguồn lợi vốn có trong tự nhiên hoặc nuôi trong ao, hồ với quy mô nhỏ, lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa thể phát triển thành ngành nghề giúp người nông dân có sinh kế ổn định. Chính vì vậy, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đã triển khai mô hình nuôi cá lồng thương phẩm trên lòng hồ Thủy điện Plei Kông tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy.Đây cũng xuất phát từ trăn trở của các nhà lãnh đạo cũng như nhà chuyên môn, thấy Hơ Moong là xã có diện tích mặt hồ tương đối lớn, trên 500 ha, trong khi nông dân đánh bắt, khai thác thiếu chọn lọc. Vì vậy cần xây dựng một làng nghề để khai thác, đánh bắt, nuôi trồng cá ở khu vực lòng hồ này để cải thiện đời sống cho các hộ nông dân, giảm thiểu áp lực về thiếu đất sản xuất cho người dân ở đây. Từ đó chúng tôi đã xây dựng nên dự án mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Plei Krông”. Bà Tạ Thị Diệu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Huyện Sa Thầy nói.

 Những lứa cá điêu hồng, lăng nha đầu tiên đã cho thu hoạch với năng suất đạt như yêu cầu. Kết quả này đã mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống quanh khu vực các lòng hồ thuỷ điện.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều đề tài, dự án mà Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã triển khai trong thời gian vừa qua. Có thể thấy, điểm chung của cả 2 đề tài là đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân, hoàn toàn có thể giúp họ làm giàu ngay trên quê hương mình.

Tuy vậy, từ nghiên cứu đến ứng dụng vào thực tiễn đời sống cũng còn nhiều điều đáng bàn, nhất là khi xác định đối tượng cần thụ hưởng là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS. Số đề tài nghiên cứu thành công đến được thật sự với người nông dân vẫn còn khá khiêm tốn. Ông Đoàn Trọng Đức, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và Chuyển giao công nghệ tỉnh đánh giá: “ Có những dự án KHCN nghiên cứu thành công nhưng khả năng nhân rộng hiện tại chúng ta còn đạt thấp. Ở đây có nhiều nguyên nhân  như: Về mặt cơ chế chính sách chúng ta tập trung công tác nghiên cứu nhưng vấn đề nhân rộng chưa được quan tâm. Thứ hai nữa KHCN liên quan đến áp dụng tiến bộ KHKT, đòi hỏi phải đầu tư, nhưng khả năng đầu tư vào sản xuất của người dân chưa nhiều. Trình độ sản xuất chung cũng chưa cao nên khi triển khai 1 mô hình để nhân rộng đòi hỏi  phải đào tạo, tập huấn, kể cả chính sách hỗ trợ về vốn, về KHKT

Điều này không chỉ lãng phí nguồn kinh phí của Nhà nước mà lớn hơn là chúng ta đang lãng phí chất xám những người làm công tác nghiên cứu khoa học đã bỏ ra, trong khi người nông dân rất cần những tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Làm sao để hoạt động nghiên cứu khoa học đi vào được cuộc sống? Đó là thách thức không nhỏ cho ngành KH&CN. Các nghiên cứu, đề tài, dự án dẫu có tính khả thi đến đâu, kết quả thực nghiệm có tốt đến mấy mà không thể đến được với người dân, nghiên cứu ấy cũng chưa thể gọi là thành công.

Khoa học công nghệ là nền tảng phát triển kinh tế – xã hội. Đưa khoa học công nghệ gần với cuộc sống, bám sát thực tiễn là trách nhiệm không chỉ của riêng ngành KH&CN mà nó còn là trách nhiệm chung của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó phải có cả sự chủ động của người dân – người thụ hưởng cuối cùng mà mọi công trình, đề tài khoa học đều hướng đến.

Như Nguyệt – Xuân Công

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *