(kontumtv.vn) – Với sự quan tâm đầu tư từ các chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã đạt được những thành tựu về cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao so với bình quân chung cả nước (năm 2017 còn hơn 38%).

Mặc dù trong những năm qua, các cấp chính quyền địa phương và ngành y tế có nhiều quan tâm để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, nhưng kết quả đạt tại xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum chưa cao. Hiện nay, trên địa bàn xã tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi là 33,7%. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn xã vẫn còn cao, nên các gia đình không có đủ điều kiện để đảm bảo đầy đủ chế độ dinh dưỡng cho con em. Y sỹ Vũ Thị Phương Mai, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đăk Rơ Wa cho biết: “Trước đây một năm có hai đợt tổ chức hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ thì trạm cũng tổ chức, tuy nhiên hiệu quả cũng chưa đạt vì tình trạng dân ở xã rất nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cao, cho nên dù cho bà mẹ có nắm, có biết được những kiến thức về chăm sóc con cái, chế độ ăn một đứa trẻ đảm bảo dinh dưỡng như thế nào, nhưng họ không có đủ kinh phí để lo đầy đủ. Bởi vậy nên tỷ lệ suy dinh dưỡng không cải thiện được”.

Tổ chức cân đo, uống Vitamin A và tẩy giun cho trẻ
Tổ chức cân đo, uống vitamin A và tẩy giun cho trẻ

Trong những năm qua, hoạt động theo dõi tăng trưởng cho trẻ em dưới 2 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng được ngành Y tế tiến hành thường xuyên hàng tháng thông qua đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng. Hàng năm, tổ chức 2 đợt cân, đo cho trẻ em dưới 5 tuổi, lồng ghép với uống bổ sung vitamin A và tẩy giun cho trẻ; hỗ trợ sản phẩm cho trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, lồng ghép với các hoạt động truyền thông, hướng dẫn kỹ thuật chế biến thức ăn cho bà mẹ có con nhỏ và bà mẹ có con bị suy dinh dưỡng; triển khai mô hình “Quản lý lồng ghép điều trị trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng dựa vào cộng đồng”… Nhờ đó tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 39,3% năm 2015 xuống còn 38,9% năm 2016, năm 2017 còn 38,4%.  Mặc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh có cải thiện đáng kể qua từng năm, nhưng còn ở mức cao so với bình quân chung cả nước. Bác sỹ A Nhôm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô nói: “Đăk Tô hiện tại tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng 20%, còn suy dinh dưỡng chiều cao, thấp còi là 31,8%. Những khó khăn thì hiện nay ở Đăk Tô dân trí không được cao, thành ra nhận thức về suy dinh dưỡng còn hạn chế. Thứ hai huyện Đăk Tô kinh tế – xã hội phát triển chưa cao, thành ra ảnh hướng đến suy dinh dưỡng”.

Trước tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao, năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch phòng, chống suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giai đoạn 2017 – 2020, nhằm từng bước cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em trên địa bàn tỉnh. Bác sỹ Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết: “Mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em thứ nhất là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng sơ sinh cho trẻ em dưới 2.500 g thì giảm khoảng dưới 5% vào năm 2020; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 35% năm 2020 cho trẻ em dưới 5 tuổi; một chỉ tiêu nữa là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng theo cân nặng dưới 21% cho trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2020”.

Suy dinh dưỡng ở trẻ em là tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng thiết yếu trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng toàn diện của trẻ. Hiện nay, dù đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, nhưng tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá cao, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi. Vì vậy, để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, ngoài những giải pháp của ngành Y tế, cần có sự chung tay của các bậc phụ huynh và cả cộng đồng”.

 

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *